Vượt qua khó khăn, góp sức bảo vệ biển đảo quê hương

Thứ Tư, 07/04/2021, 09:43
Xã biển Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) hiện có 485 tàu cá, trong đó 150 tàu chuyên đánh bắt vùng khơi, đặc biệt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Những con tàu của ngư dân Bình Châu góp phần làm nên những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Giữa trưa một ngày đầu tháng 4, dưới cái nắng gay gắt, tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá 19-5 của xã Bình Châu vẫn nhộn nhịp như bao ngày bình thường khác. Nhiều tàu, thuyền ngư dân sau chuyến đi biển bội thu về cập bến, xuất bán cho thương lái; các tàu khác thì hối hả tập kết nhu yếu phẩm, các vật dụng cần thiết để chuẩn bị vươn khơi xa. Ngư dân Nguyễn Cư (SN 1961, trú thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu), chủ tàu cá số hiệu QNg-90601TS cùng với con trai là Nguyễn Văn Bi (SN 1990) và một số lao động tập kết đá cây, kiểm tra lại số nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi.

 Ông Cư cho biết, con tàu này ông đóng vào năm 2019, với kinh phí 3,7 tỷ đồng, có công suất 780CV, chuyên hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trung bình mỗi chuyến biển, tàu cá của ông bám biển khoảng 1 tháng, chi phí mua sắm trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho một chuyến ra khơi dài ngày dao động từ 110-160 triệu đồng.

“Tui đi biển từ năm 15 tuổi, đến nay đã tròn 45 năm gắn bó với biển rồi. Biển đảo quê hương như một phần máu thịt của tui. Hầu như khu vực nào ở Hoàng Sa, Trường Sa tui cũng đều thông thuộc. Giống như tui, đứa con trai cũng theo nghề của cha, tiếp tục bám biển, vươn khơi. Trong chuyến biển sắp đến, hai cha con tui cùng các lao động sẽ dong tàu ra thẳng Trường Sa, chứ nghỉ ở nhà dù chỉ vài ngày là nhớ biển, nhớ đảo lắm. Điều đáng mừng là trong giai đoạn này nguồn hải sản dồi dào nên các chuyến biển đều được bội thu”, ông Cư cười hiền, chia sẻ.

Tàu cá ngư dân xã Bình Châu (Quảng Ngãi) trên đường ra khơi.

Trong khi đó, ngư dân Đỗ Văn Nho (SN 1968, trú thôn Định Tân, Bình Châu), chủ tàu số hiệu QNg-90143TS có công suất 477CV, lại đang vui vẻ trở về với gia đình sau chuyến biển thành công. Tàu của ông Nho vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa. Ông Nho bộc bạch rằng, cha ông xưa làm biển, giờ đến ông rồi người con trai là Đỗ Văn No (SN 1989) cũng theo nghề biển. Trung bình mỗi chuyến biển của cha con ông đi khoảng 3 tuần, sản lượng đánh bắt được từ 6-8 tấn cá.

Tiếp lời cha, anh No chia sẻ, từ nhỏ anh đã lớn lên và gắn bó với biển nên tình yêu biển trong anh rất nồng cháy. “Có người cũng khuyên tôi nên học nghề khác, đừng đi biển nữa, vất vả lắm, nhưng tôi nói rằng tôi mê biển, không đi biển chỉ ở nhà vài ngày là tôi khó chịu rồi”, anh No tâm sự và cho biết thêm, anh đã có bạn gái và người bạn gái của anh cũng là một cô gái làng biển ở xã Bình Châu nên rất hiểu và chia sẻ, ủng hộ công việc của anh. Điều đó là một động lực không nhỏ giúp anh càng thêm vững tin để vươn khơi, bám biển, vừa đánh bắt hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực tế tại xã Bình Châu cho thấy, hoạt động tàu thuyền luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí là hiểm nguy. Theo thống kê của UBND xã Bình Châu, trong năm 2020, có 1 tàu cá của ngư dân địa phương khi đang đánh bắt tại Hoàng Sa thì bị tàu nước ngoài đâm chìm, ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 10 tàu cá khác bị tàu nước ngoài uy hiếp lấy tài sản. Trong quý I-2021 đã có 2 tàu cá của ngư dân xã Bình Châu bị cháy khi đang neo đậu và 1 tàu bị tàu hàng tông chìm khi đang hoạt động ở khu vực biển Hoàng Sa.

Sau khi xảy ra các tai nạn về tàu thuyền của ngư dân, chính quyền huyện Bình Sơn, xã Bình Châu và Nghiệp đoàn Nghề cá xã đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các ngư dân; đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn, kêu gọi hỗ trợ để ngư dân đóng mới tàu cá, tiếp tục vươn khơi bám biển. Cùng với lãnh đạo xã Bình Châu, chúng tôi đến thăm gia đình ngư dân Nguyễn Sinh Bảnh (SN 1968, trú thôn Định Tân, xã Bình Châu) có tàu cá số hiệu QNg-90396TS vừa bị cháy khi đang neo đậu tại vùng nước cảng Sa Kỳ.

 Qua trò chuyện, ông Bảnh cho biết tàu QNg-90396TS có công suất 410CV, sau chuyến đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, ngày 4/4, tàu về neo đậu tại vùng nước cảng Sa Kỳ thì không may xảy ra hỏa hoạn vào rạng sáng 6/4.

Khi phát hiện vụ cháy, chính quyền địa phương và các ngư dân đã phối hợp kéo các phương tiện ra xa tàu cháy để không cháy lan và thực hiện chữa cháy. Lúc này, tàu cá QNg-90106TS của ông Nguyễn Quang neo đậu gần đó đã chạy đến hiện trường, dùng mô tơ phun chữa cháy. Sau hơn 2 giờ, đám cháy được khống chế. Vụ cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản trên tàu QNg-90396TS, ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

“Sau vụ cháy tàu cá, tôi gần như trắng tay. Vợ tôi đang lâm trọng bệnh, phải vào TP Hồ Chí Minh điều trị. Vì vậy, tôi rất mong chính quyền các cấp, các đơn vị hảo tâm hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với gia đình tôi lúc này để tôi sớm vượt qua được khó khăn để có thể đóng lại tàu cá tiếp tục vươn khơi, chứ giờ cả đời tôi đã gắn bó với nghề đi biển, giờ không có tàu đi biển tôi không biết làm gì nữa”, ông Bảnh nghẹn ngào nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho hay, toàn xã hiện có 485 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 150 chiếc chuyên hoạt động ở vùng khơi, nhất là tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Xã Bình Châu có gần 18.000 nhân khẩu thì có đến hơn 50% số dân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngư nghiệp. Thống kê cho thấy, tổng sản lượng khai thác hải sản của xã Bình Châu trong năm 2020 đạt 20.000 tấn.

Trong quý I-2021 đạt 5.500 tấn. Thời gian qua, chính quyền xã Bình Châu đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho các ngư dân địa phương; đồng thời trao tặng hàng trăm suất quà với tổng số tiền 50 triệu đồng cho các ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngư dân Bình Châu chúng tôi vẫn không nản chí, luôn giữ niềm mê biển mãnh liệt, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn khơi góp phần gìn giữ biển, đảo của quê hương”, ông Nguyên nói.

Ngọc Thi
.
.
.