Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 27/11/2018, 08:18
Quá trình triển khai thực hiện Nông thôn mới (NTM) đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và làm đổi thay bộ mặt khu vực nông thôn, tạo nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc trở thành tỉnh NTM vào năm 2019.  


Sau 7 năm triển khai, chương trình xây dựng NTM đã có 99/112 xã và 2 huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc được công nhận đạt chuẩn NTM. TP Vĩnh Yên, TP Phúc Yên đang chờ Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định.

Yên Lạc là huyện đầu tiên của Vĩnh Phúc đạt danh hiệu NTM vào cuối năm 2015. Đến nay, Yên Lạc đã có 16/16 xã đạt chuẩn NTM. Đây cũng là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động gần 4.000 tỷ đồng cho chương trình, trong đó 1.200 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, 96 tỷ đồng từ các doanh nghiệp và 2.700 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Nhân dân trong huyện hiến 63.000m² đất, gần 9.000 ngày công xây dựng NTM.

Hệ thống đường sá được cứng hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân địa phương.

Trong khi đó, tại huyện Sông Lô, tính đến hết tháng 10-2018, có 13/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đang nỗ lực hoàn thành 100% tiêu chí trong năm 2018, chậm nhất là quý I/2019, để hết năm 2019 Sông Lô sẽ đạt chuẩn huyện NTM.

Theo kế hoạch, cuối năm nay, xã Quang Yên (Sông Lô) sẽ về đích NTM. Để hoàn thành đúng tiến độ, thời điểm này, Quang Yên đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành 3 tiêu chí còn lại.

Ông Nguyễn Tiến Toàn, Chủ tịch UBND xã Quang Yên cho biết, trong 5 năm xây dựng NTM, xã đã vận động được hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động, hàng chục nghìn mét vuông đất từ nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM. 

Hiện nay, 2 tiêu chí về giao thông và môi trường của xã đã đạt chuẩn NTM với 100% các đường trục xã, trục thôn trên địa bàn được cứng hóa; 99% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 6 nghĩa trang nhân dân được hoàn thiện. 

Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hiện xã chỉ còn 1 Nhà văn hóa ở thôn Đồng Chằm đang trong quá trình triển khai xây dựng, dự kiến trong tháng 12 sẽ hoàn thành. Đây cũng là thời điểm xã hoàn tất 19/19 tiêu chí trong xây dựng NTM.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 

Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc cho biết, đến hết tháng 9/2018, Vĩnh Phúc đã có 101/112 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, với 3.737km/4.199km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, đạt 89%. Trong đó, tỷ lệ kiên cố hóa đường huyện đạt 100%, đường trục xã đạt 91%; đường trục thôn, ngõ xóm đạt 84% và đường trục chính giao thông nội đồng đạt xấp xỉ 72%.

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đảm bảo chất lượng các công trình giao thông nông thôn đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi kinh tế của người dân và làm đổi thay bộ mặt khu vực nông thôn, tạo nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc trở thành tỉnh NTM vào năm 2019. 

Đến nay, 100% số hộ trên địa bàn được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, góp phần nâng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 450 trường. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật viễn thông, 100% số xã có nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, Vĩnh Phúc vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực của địa phương có hạn trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM lớn; các chế độ, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi dẫn đến các thủ tục về đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản kéo dài làm chậm tiến độ thực hiện; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, còn có tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là ngân sách tỉnh…

Để đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh NTM vào năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì yêu cầu các sở, ngành, huyện, xã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng tiêu chí được giao phụ trách; tạo cơ chế thuận lợi nhất, đặc biệt là những cơ chế, chính sách về nguồn lực đầu tư cho các xã đang khó khăn; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đảm bảo thực chất, hiệu quả. 

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực, tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa trong dân để sớm hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, nâng cao đời sống người dân.

Lưu Hiệp
.
.
.