Vỉa hè tiếp tục “lem nhem” chờ đợi kết luận thanh tra

Chủ Nhật, 10/12/2017, 09:06
Đến thời điểm này, hàng loạt câu hỏi đang được dư luận đặt ra khi việc lát đá vỉa hè trên đường phố Hà Nội bộc lộ hàng loạt thiếu sót, bừa bãi và lãng phí. Và vỉa hè vẫn đang khấp khểnh, lem nhem chờ đợi ngày công bố kết luận thanh tra.

Ngay từ giữa năm 2016, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện triển khai thay gạch lát vỉa hè bằng đá xanh trên một số tuyến phố. Và từ cuối tháng 8 năm nay, TP như một đại công trường với “phong trào” lật gạch vỉa hè lên lát lại. Khi mới bắt đầu “chiến dịch”, hầu như tất cả người dân đều hồ hởi và ủng hộ chủ trương, với kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh cuối năm lại thấy đào đục vỉa hè nhem nhuốc. 

Nhưng đến thời điểm này, hàng loạt câu hỏi đang được dư luận đặt ra khi việc lát đá vỉa hè bộc lộ hàng loạt thiếu sót, bừa bãi và lãng phí. Và vỉa hè vẫn đang khấp khểnh, lem nhem chờ đợi ngày công bố kết luận thanh tra.

Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, từ nay đến năm 2020, toàn bộ hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành sẽ được lát lại bằng đá tự nhiên có tuổi đời trên 70 năm. Về nguồn kinh phí đầu tư, theo Sở Xây dựng, một số dự án hạ tầng kỹ thuật mới tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông đã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng/m². Số tiền này đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch. 

Đơn cử trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có 9 dự án (tuyến phố) bảo trì, chỉnh trang hè phố trong năm 2017, trong đó có 6 dự án đang tiến hành triển khai. Tổng mức đầu tư dự án tuyến phố Nguyễn Du (diện tích khoảng 6.624m²) là hơn 11 tỷ đồng; tuyến phố Bà Triệu (diện tích 7.982m²) là gần 15 tỷ đồng; tuyến Đại Cồ Việt (diện tích 9.947m²) là 14 tỷ 900 triệu đồng…

Tính toán trung bình, mỗi mét vuông quận Hai Bà Trưng phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/m2 vỉa hè. Nếu tính trên toàn TP, việc thay đá lát vỉa hè sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói, nếu so với lời khẳng định đá lát vỉa hè có độ bền trên 70 năm, thì thực tế cho thấy, dù đắt tiền hơn gạch nhưng độ bền của vật liệu này trên nhiều tuyến phố lại rất kém. Có nhiều tuyến phố vừa lát đá xong đã hỏng. Đơn cử như trên tuyến phố Nguyễn Trãi, quân Thanh Xuân, nhiều đoạn vừa được lát đá đẹp đẽ, nhưng mới qua vài tháng, nhiều đoạn vỉa hè đá đã bị vỡ nát, bật lên khỏi vỉa hè. 

Nhiều tuyến phố khác cũng tương tự, như tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, dù mới được chỉnh trang và lát lại đá nhưng nhiều đoạn đá bung vữa khấp khểnh vừa mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thực tế cho thấy, một số tuyến phố đã thay đá xuất hiện hiện tượng bong tróc, mấp mô, sụt lún, nứt vỡ…

Câu chuyện chất lượng kém của đá lát vỉa hè cũng đã là một nội dung được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời trước các đại biểu HĐND TP.

Nhiều tuyến phố, vỉa hè vẫn đẹp cũng bị bật lên lát lại (ảnh chụp trên phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội).

Ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận có tình trạng làm ồ ạt thời điểm cuối năm với chất lượng thấp. Bản thân Chủ tịch TP đã trực tiếp đi kiểm tra nhiều tuyến phố và nhận thấy có nhiều nơi ngay cả việc chọn đá cũng không đúng kích cỡ và độ dày theo quy định.

Chủ tịch UBND TP khẳng định, chủ trương thiết kế hè đường của Hà Nội chỉ thực hiện trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, khi làm sử dụng vật liệu tự nhiên có độ bền 50 - 70 năm và có giám sát chất lượng công trình... Tuy nhiên, các quận, huyện khi triển khai thực hiện chưa đúng, hiểu sai nguyên tắc chỉ đạo trên dẫn đến nhiều bất cập như hồ sơ thiết kế sơ sài, thiếu đánh giá hiện trạng, quản lý chất lượng thi công chưa chặt chẽ... Thậm chí có quận đầu tư tràn lan, thiếu kiểm tra, chọn lọc. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát vật liệu, quản lý chất lượng thi công... dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp. 

Vì vậy Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo: "Các dự án đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè tạm dừng thực hiện để rà soát, trường hợp đủ điều kiện mới tiến hành". Trước đó, TP cũng đã giao cho Thanh tra TP kiểm tra làm rõ về chất lượng công trình lát đá vỉa hè, kết quả nghiệm thu...  Và phải có báo cáo kết quả kiểm tra lên UBND TP trong tháng 12.

Ngày 9-12, khảo sát trên nhiều tuyến phố, chúng tôi nhận thấy hầu hết các vỉa hè đều không có công nhân thi công. Từng đoạn phố đang làm dở dang có nơi được khoanh bằng các dây chắn, có nơi để không. 

Theo yêu cầu của TP, các quận đã tạm dừng việc thi công lát đá vỉa hè để rà soát. Trên phố Quang Trung, đá lát vỉa hè được xếp chồng cao, đoạn vỉa hè đã được đào gạch cũ lên trơ nền cát. Một đoạn thi công dang dở trên phố Nguyễn Du, cẩn thận hơn thì được đơn vị thi công trám tạm bằng một lớp vữa phủ lên. 

Sau “lệnh” tạm dừng thi công, nhiều vỉa hè ngổn ngang gạch đá chất đống.

Còn đá lát được bọc bạt. Bác Hoàng Thị Thanh, sống tại phố Quang Trung băn khoăn: “Không biết đến bao giờ mới có kết luận thanh tra để việc thi công được tiếp tục trở lại. Để thế này cũng rất bất cập. Lem nhem và ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh của chúng tôi”. Còn theo ý kiến của ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến Trúc sư trưởng TP, không nên để chủ đầu tư thực hiện chỉnh trang vỉa hè mà không có cơ quan nào giám sát quản lý thường xuyên. “Cần sự vào cuộc, giám sát của cộng đồng, tổ dân phố, giám sát của Mặt trận Tổ quốc....”, ông Nghiêm đề xuất.

Đến thời điểm này, có lẽ điều người dân mong đợi nhất là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo TP. Và người dân cũng đang đặt câu hỏi: “Liệu có thể có chuyện các quận, huyện đồng loạt hiểu sai chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP về việc chỉnh trang, thay đá trên toàn bộ các tuyến phố, kể cả các tuyến gạch lát vẫn chưa xuống cấp?”.

Ngọc Yến
.
.
.