Vỉa hè… không dành cho người đi bộ

Thứ Bảy, 26/12/2015, 11:36
Có những lề đường “lịch sử để lại” từ lâu đã trở thành bãi để xe hai bánh, ba bánh nên không ai có thể mơ được đi bộ như vỉa hè đường Nguyễn Du, vách Bệnh viện Nhi đồng 2 kéo dài đến Tôn Đức Thắng rồi vòng qua Lê Duẩn. 

Dịp cuối năm, hàng loạt các công trình sửa chữa, chỉnh trang đô thị cũng được triển khai nhằm tạo cảnh quan môi trường và mỹ quan đô thị. Người buôn bán hối hả tung hàng hóa tràn ra đường vào dịp cuối năm, vỉa hè được tận dụng từng centimet, du khách đến TP Hồ Chí Minh vào dịp Giáng sinh và nghỉ đông tăng cao, không còn lề đường để đi. Lập lại trật tự đường phố vào dịp cuối năm luôn là mối lo hàng đầu của các cơ quan chức năng.

Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh thiếu bãi gửi xe nghiêm trọng, đặc biệt là bãi giữ ôtô. Riêng xe gắn máy, vào ban đêm khi có nhu cầu đến vui chơi giải trí tại Quảng trường trung tâm Nguyễn Huệ, nhất là các ngày cuối tuần, lễ, Tết người dân rất “mệt mỏi” trong việc tìm chỗ gửi xe, vừa xa, vừa nhọc nhằn do có nhiều tuyến đường cấm, đường một chiều. 

Do đó, nhiều bãi giữ xe đã tự phát mọc lên và hầu hết các cửa tiệm, quán hàng tận dụng luôn vỉa hè để xe cho khách. Các buổi sáng, chiều tối hằng ngày, đội quân bán hàng rong “di động” tràn xuống lề đường tại hầu hết các tụ điểm, trung tâm đông người tập trung làm gia tăng tình trạng kẹt xe thường xuyên…

Ngay từ giữa tháng 11, cơ quan chức năng đã triển khai đồng loạt ra quân cao điểm lập lại trật tự vỉa hè lòng đường khá quyết liệt, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đã có chuyển biến đáng kể. Nhưng tình trạng lại tiếp tục tái diễn khi lực lượng Công an, dân phòng, thanh tra rút đi.

Vỉa hè, lề đường Nguyễn Du thành bãi giữ xe, buôn bán tạp hóa.

Đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám giáp ranh quận Tân Bình với quận 10, do Công an phường 15, quận 10 trực ngay trước cổng công viên Lê Thị Riêng nên dân bán hành rong di động chuyển sang phía đối diện thuộc địa bàn quận 3 và Tân Bình. Hằng ngày, cứ vào buổi chiều đến tối, hàng hóa bán cho dịp Noel, Tết bày la liệt trên vỉa hè… 

Người bán hàng cố định đã cố thụt sâu vào bên trong, nhưng phần lề đường còn lại là các loại xe, người mua hàng tấp nập. Dịp Giáng sinh, khu xóm đạo Đất Thánh, An Lạc càng đông nghẹt người đi chơi, ăn uống, khiến cho giao thông khu vực này từ sau 16h chiều đã nghẹt ứ.

Có những lề đường “lịch sử để lại” từ lâu đã trở thành bãi để xe hai bánh, ba bánh nên không ai có thể mơ được đi bộ như vỉa hè đường Nguyễn Du, vách Bệnh viện Nhi đồng 2 kéo dài đến Tôn Đức Thắng rồi vòng qua Lê Duẩn. Nhiều tuyến vỉa hè được taxi chiếm làm bãi đậu xe mỗi buổi sáng như Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ ngã tư Pasteur đến Hai Bà Trưng và chia phần lãnh địa với những người bán hàng ăn, cà phê, giải khát.

Vỉa hè và lòng lề đường Bùi Thị Xuân và Tôn Thất Tùng đến Nguyễn Trãi, từ lâu nay vẫn độc quyền là bãi đậu xe taxi, xe ôtô riêng và bãi giữ xe hai bánh của BV Phụ sản Quốc tế. Mặt đường hẹp, chiều ngang chưa đầy 10m, hai bên hai hàng ôtô đậu, dừng và hai làn ôtô, xe máy lưu thông khiến nơi đây thành một mê cung, luồn lách, kẹt xe triền miên. 

Nhiều tuyến đường cạnh cửa, hông các bệnh viện cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tài xế taxi đậu xe xếp hàng dài đợi khách, thêm các loại xe riêng, xe cấp cứu ra vào thường xuyên gây nên tình trạng rất hỗn loạn về giao thông, đặc biệt là các giờ cao điểm.

Một đoạn Nguyễn Thị Minh Khai lởm chởm gạch lót, thành bãi đậu taxi và bán hàng rong.

Trưa 24-12, hai bên đường Nguyễn Du tình trạng bát nháo do giữ xe trên lề đường thành các bãi dài vẫn tồn tại như mọi ngày. Nguyên đường Nơ Trang Long dài gần 7km, thuộc quận Bình Thạnh và nhiều đoạn đường khác xung quanh, ngoài mặt đường ngang khá rộng, hai bên vỉa hè dư dôi khoảng từ 1 đến 3m, nhưng không có mét nào có thể đi bộ, do người bán hàng tràn ra và mọi nơi đều tận dụng để xe trước cửa nhà. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết vỉa hè thuộc các quận 5, 6, 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú… Biến vỉa hè thành sân riêng đang là một thực trạng khó thay đổi.

Gần đây, do báo chí dư luận phản ánh bức xúc, nên đoạn đường Sư Vạn Hạnh nối dài trước cổng Bệnh viện 115 đã được dọn dẹp khá sạch sẽ, thông thoáng. Khu vực chợ Bến Thành, Bình Tây, Tân Định, Tân Bình, Bà Quẹo, Chợ Lớn đang được cơ quan chức năng thường xuyên nhắc nhở, xử phạt nên bước đầu đã có nhiều tiểu thương, chủ hộ, người buôn bán dạo có ý thức chấp hành. 

Vỉa hè, lề đường không dành cho người đi bộ còn có nguyên nhân khác: Trừ các công trình trọng điểm bắt buộc thi công, hiện nay, tình trạng bong tróc gạch và bê tông lót nền mặt cũ đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều người.

Đoạn vỉa hè khác trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từ Điện Biên Phủ đến công viên 30-4, phần gạch lót từng được ca tụng là ứng dụng công nghệ mới, mỹ quan nghệ thuật… nay bong tróc lên từng viên, từng lõm khiến cho đoạn vỉa hè này gồ ghề thành những cái bẫy rất nguy hiểm, không chỉ với người đi bộ mà cả xe hai bánh thường xuyên tràn lên vỉa hè khi ùn tắc giao thông. 

Tình trạng tương tự còn xảy tại nhiều đoạn vỉa hè lát gạch khác tại khu vực trung tâm thành phố, nên khách bộ hành không thể đi, người buôn bán, giữ xe chui tận dụng ngay cơ hội này để chiếm mặt bằng kinh doanh.

Từ năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã triển khai khắp 24 quận, huyện ký cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên tổng cộng 159 tuyến đường. 

Nhưng đến nay có thể nói đã “vỡ trận” hoàn toàn vì không có tuyến đường nào đạt chuẩn như cam kết. Lực lượng Công an trật tự, dân phòng, bảo vệ dân phố từng phường, xã không thể đủ lực lượng tuần tra, kiểm soát, cắm chốt suốt 24/24h. Dù có chốt trực canh cũng không thể ngăn chặn được đội quân bán hàng rong, di chuyển liên tục và khách đi đường dừng tạt xe ghé vào mua hàng. Dịp cuối năm, rất cần lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa các hoạt động nhằm giải quyết thông thoáng vỉa hè, giữ gìn ANTT và ATGT.

Hoàng Châu
.
.
.