Về đất Sen hồng, nghe chuyện Công an giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương

Thứ Sáu, 21/09/2018, 10:51
Với 15 tỷ đồng từ nguồn quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng, 3 năm qua, Công an tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ hơn 560 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống. Nhiều người chí thú làm ăn, trở thành tấm gương điển hình trong sản xuất kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng.


Gia đình sống trong khu vực làng nghề truyền thống dệt chiếu thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), anh Phan Văn Tấn (29 tuổi) đã bắt đầu gắn bó với công việc này khi vừa chấp hành xong án phạt tù. Được vay vốn nguồn quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng, anh Tấn mua máy dệt chiếu, thuê công nhân để sản xuất.

Với 4 máy dệt, mỗi tháng anh xuất ra thị trường hơn 1.000 chiếc chiếu. Hiện tại, trong các khâu sản xuất từ chuốt lát, nhuộm màu, đóng viền cho đến dệt anh đều có người lao động thực hiện. Anh và vợ có nhiều thời gian trong quản lý và tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. Trừ tất cả chi phí nhiên liệu và công lao động sản xuất, mỗi tháng gia đình anh lời từ 6 đến 7 triệu đồng.

“Hướng tới em tính vay thêm đồng vốn để phát triển cho việc sản xuất kinh doanh được hiệu quả hơn, tốt hơn. Một là để mua nhiên liệu, thứ hai là để gối đầu cho những người ta không có vốn người ta mua thiếu. Được sự hỗ trợ của Công an, của chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, em rất là cảm ơn”, Phan Văn Tấn chia sẻ.

Anh Tân bên cơ sở sản xuất chiếu của gia đình.

Không sản xuất số lượng lớn như anh Tấn nhưng anh Hà Minh Sang (33 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung) cũng ổn định cuộc sống từ nghề làm chiếu. Anh được xét cho vay 30 triệu để mua máy dệt chiếu. Hàng ngày, vợ ở nhà dệt, anh đi làm tài xế cho xe khách từ 23h cho đến 14h ngày hôm sau. Sau khi lái xe xong, anh trở về phụ vợ cắt chiếu, đem phơi, chuẩn bị các nhiêu liệu cho ngày hôm sau tiếp tục dệt. Mỗi tháng gia đình anh Sang thu nhập cũng được gần 20 triệu đồng, đủ chi phí nuôi 2 đứa con đi học, trang trải cuộc sống gia đình và tích lũy hoàn lại số vốn đã vay.

“Lúc trước thì có chạy xe có nghề trước rồi, sau này vay đồng vốn mua máy dệt chiếu để kiếm thêm thu nhập, phát triển thêm. Tôi suy nghĩ mình đã có lỗi lầm rồi thì cũng rút ra bài học. Mình cũng nhắc nhở anh em, chỉ chuyện nào tốt cho xã hội, giúp đỡ này kia nọ chứ đừng có tái phạm. Giờ chỉ suy nghĩ tương lai, lo làm kiếm thêm thu nhập cho con cái sau này”, anh Sang nói.

Ông Lâm Phú Tòng, Phó trưởng Công an xã Tân Thành cho biết: “Bản thân anh Sang cũng thường xuyên gắn kết, khi họp hội cũng có trao đổi mô hình của anh, anh em nào có nguyện vọng tham gia như anh Sang thì chuyển đổi mô hình đó. Bản thân anh Sang cũng lo chí thú làm ăn, phụ giúp tiếp gia đình vợ con”.

Đây chỉ là hai trong hàng trăm cá nhân được sự hỗ trợ của nguồn quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng làm ăn có hiệu quả. Chính từ sự chí thú làm ăn như anh Sang, anh Tấn, nhiều cá nhân khác trong các CLB người hoàn lương cũng suy nghĩ cách để lao động phát triển kinh tế gia đình. Những buổi sinh hoạt của CLB người hoàn lương là điều kiện để các thành viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn trong lao động sản xuất để cùng nhau có biện pháp giải quyết.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 40 CLB người hoàn lương với 462 người tham gia và được hỗ trợ của nguồn quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng để phát triển kinh tế.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Qua ba năm thực hiện quỹ này, hầu hết các đối tượng được vay vốn họ đều sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả. Lúc đầu, vốn của quỹ là 15 tỷ đến nay quỹ được nâng lên 16 tỷ, trong đó có tiền lãi của các người được hỗ trợ vay vốn và cộng thêm các doanh nghiệp ủng hộ. Chúng tôi tham mưu đề xuất, UBND tỉnh ký quyết định sửa đổi bổ sung điều lệ quỹ, hỗ trợ cho đối tượng là người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng cũng được tiếp cận cái vốn này”.

Có thể thấy, quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng của Công an tỉnh Đồng Tháp – vùng đất Sen hồng, đã trở thành bước đệm quan trọng cho những người từng có quá khứ lầm lỡ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Mỗi cá nhân làm ăn có hiệu quả, động lực để những người khác quyết tâm làm lại cuộc đời, đặt bước chân vững chắc trên con đường hướng thiện.

Thanh Mỹ
.
.
.