Tuyệt vời mô hình thu gom rác của chị em ở một xã biên giới

Thứ Hai, 15/08/2016, 13:24
Thời gian qua, mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng và khu dân cư của Hội phụ nữ xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước, giáp biên giới nước bạn Campuchia) đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực.

Mô hình này không chỉ góp phần tích cực trong công tác nâng cao nhận thức cho người dân bảo vệ môi môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, mà còn tạo được nguồn quỹ giúp đỡ cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Theo ghi nhận, hiện nay, xã Thanh Hòa đã có 7/7 thôn ấp và 3 trường học trên địa bàn lập mô hình tổ thu gom, xử lý rác thải, hơn 50% số thôn ấp đã có điểm tập kết và phân loại rác. Mặt khác, xây dựng 3 con đường phụ nữ tự quản rác, nhờ đó trên 58% lượng rác thải sinh hoạt ở xã đã được thu gom, xử lý. 

Rác sau khi thu gom sẽ được Hội phụ nữ xã Thanh Hòa tập kết về một điểm để cân và bán lại cho nhà máy.

 Giờ đây, những con đường liên thôn, ấp và khu vực công cộng không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước nữa, môi trường sống ngày một được cải thiện. Mô hình thu gom, xử lý rác thải của Hội phụ nữ xã Thanh Hòa đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Đây là mô hình mới, lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn huyện Bù Đốp.

Tổ phụ nữ thu gom, xử lý rác thải chi hội phụ nữ ấp 6 là một trong những đơn vị điển hình. Tổ có 15 hội viên tham gia, luân phiên nhau mỗi tuần 5 người được phân công đi thu gom rác thải tại khu dân cư và các hộ gia đình. Sau đó tập kết rác tại nhà văn hóa ấp rồi tiến hành phân loại rác thải. 

Những loại rác hữu cơ được giữ lại ủ với phân hữu cơ rồi đem bón cho cây trồng, các loại chất thải rắn như nhựa, bọc ni lông được bán lại cho nhà máy xử lý rác để xây dựng quỹ từ thiện. 

Sau hơn một năm hoạt động, số quỹ đã xây dựng được hơn 2 triệu đồng. Tuy không nhiều, nhưng số tiền này được sử dụng vào mục đích từ thiện, giúp đỡ các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Mô hình ngày càng đi vào nề nếp, được các cấp chính quyền và hội phụ nữ cấp trên đánh giá cao.

Chị Phạm Thị Là - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 6, xã Thanh Hòa cho biết, việc thu gom rác thải sinh hoạt có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp ở thôn xóm. Mặt khác, giúp cho mọi người, mọi nhà nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, góp phần vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Ngoài ra, còn tạo ra nguồn quỹ, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Ngoài mô hình thu gom rác thải ở các chi hội phụ nữ, còn có sự sự tham gia tích cực của các trường học trên địa bàn, như Trường Tiểu học Thanh Hòa, định kỳ mỗi tuần một lần cán bộ công nhân viên chức nhà trường lại tổ chức thu gom xử lý rác thải trước trong và sau trường học, sau đó tập kết vào bãi rác tập trung để xử lý. Nhờ đó cảnh quan, môi trường sống ở đây ngày càng văn minh, sạch đẹp hơn. 

Cô Đàm Thị Minh Hà - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hòa cho biết: “Hoạt động tổ chức thu gom rác thải có nhiều ý nghĩa thiết thực, nhất là việc giáo dục nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường đối với các em học sinh. Đồng thời, thông qua đó góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức trong nhân dân về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường chung của cộng đồng”.

Cùng với tiến trình đô thị hóa, mở rộng khu dân cư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán… hàng ngày đã thải ra môi trường một lượng rác lớn và ngày càng gia tăng. 

Trăn trở với những khó khăn của địa phương, bà Vũ Thị Thê - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh Hòa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác thải ngay tại địa phương. Không chỉ là nơi thu mua rác từ các chi tổ hội trên địa bàn mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều con em tại địa phương. 

Bà Thê còn đề nghị với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bù Đốp phát động phong trào thu gom rác thải gắn với phong trào 5 không 3 sạch, từ đó vừa tạo ra nguyên liệu bán cho nhà máy xử lý rác, vừa giúp cho phong trào của Hội phụ nữ đi lên, vừa tạo được nguồn quỹ giúp đỡ các em học sinh vượt khó học giỏi.

ĐỨC TRÍ – VĂN ĐOÀN
.
.
.