Trị liệu tâm lý chưa được chú trọng trong cai nghiện ma tuý
- “Ra khỏi trung tâm cai nghiện là tái nghiện”
- Cách làm hay trong công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện
- Nhiều mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện hiệu quả
Hội nghị Quốc gia về "Rối loạn sử dụng chất và HIV đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong 3 ngày, từ ngày 3 – 5-8-2017, với khoảng 250 đại biểu từ các Bộ, ngành, cùng các Chuyên gia đến từ các trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tham dự.
Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều Chuyên gia trong nước và Quốc tế có kinh nghiệm trực tiếp điều trị bệnh nhân cũng như xây dựng hệ thống dịch vụ điều trị nghiện. Trong đó, đã đưa ra các vấn đề về chăm sóc bệnh nhân rối loạn sử dụng chất và mục tiêu 90-90-90 trong điều trị HIV; Cập nhật tình hình về Methamphetamine và các chất ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam; Điều trị hỗ trợ bằng thuốc đối với nghiện các chất dạng thuốc phiện: Methadone, Buprenorphine và Natrexone.
Cần được can thiệp tâm lý và cả rèn luyện thể chất. |
Theo PGS TS Bùi Thị Xuân Mai, Đại học Lao động xã hội, cơ sở TP.HCM, hiện nay, người nghiện ma túy được xem là bệnh nhân, họ cần được điều trị như người bệnh. Tuy nhiên, vấn đề thách thức hiện nay là tỷ lệ bỏ điều trị Methadone ngày càng cao. Lý do là bệnh nhân không kiên trì, bị bạn bè lôi kéo,...
Ngoài ra, việc thu phí cũng khiến người bệnh bỏ điều trị. Trung bình mỗi năm tại Việt Nam, số người sử dụng, người nghiện ma túy tăng 10% (năm 2015: 204.000, năm 2017: 210.751). Đáng lưu ý là nhóm nghiện ma túy có xu hướng tăng nhanh ở giới trẻ, học sinh.
Trong đó, TP.HCM có số người nghiện cao nhất (21.712), tiếp đến là Hà Nội (12.803), Điện Biên (9.481), Sơn La (8.388), Đồng Nai (3.357),... Nguồn ma túy từ các nước Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan,... vào Việt Nam ngày một phức tạp.
Các vấn đề ANTT-ATXH liên quan đến vấn đề nghiện ma túy ngày một trở nên bức xúc, phức tạp, như: cướp giật, giết người,... Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tính đến năm 2016, tòa án thụ lý 18.916 vụ với 24.360 bị cáo phạm các tội về ma túy. Nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp còn gây nhiều hệ lụy nhưng chưa có phác đồ điều trị. Ngoài các bệnh viêm gan B, C; theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ lây nhiễm HIV do sử dụng ma túy là chủ yếu.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy tính đến 15-3-2017 đã điều trị cho 51.318 bệnh nhân tại 280 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Trước đây, nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động thường xuyên của chương trình là từ các nhà tài trợ quốc tế (dịch vụ điều trị Methadone miễn phí). Từ năm 2011, chương trình điều trị Methadone xã hội hóa đầu tiên được thực hiện tại Hải Phòng, mức thu 8.000 đồng/ngày. Từ năm 2012, Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nguồn tài trợ bị cắt giảm dần nên cần thiết phải chuyển đổi mô hình từ dịch vụ miễn phí sang xã hội hóa.
Theo các chuyên gia, ngoài điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, người nghiện ma túy cũng cần được điều trị bằng tham vấn tâm lý. Từ đây, họ có được kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống, đối phó với việc sử dụng ma túy, thay đổi lối sống, hành vi và suy nghĩ không tích cực. Họ từ bỏ mặc cảm, tự ti và sự kỳ thị để hòa nhập với xã hội, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, hiện cả nước có 130 cơ sở cai nghiện ma túy, nhưng can thiệp bằng tham vấn tâm lý chưa được chú trọng, chủ yếu là sử dụng biện pháp giáo dục nhận thức, lao động giáo dục. Số điểm tư vấn và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng không nhiều: 35 điểm tư vấn tại 23 tỉnh/thành phố.