Trẻ tự kỷ và nỗi lo về giáo dục

Thứ Năm, 30/08/2018, 08:01
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Trong khi đó nhận thức của các gia đình, cộng đồng, xã hội về hội chứng này còn thiếu đầy đủ, thậm chí sai lệch.

Điều đó gây ra rất nhiều khó khăn cho trẻ tự kỷ trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội. Nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội để chăm lo, giáo dục, giúp đỡ trẻ tự kỷ, ngày 29-8, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Trẻ tự kỷ - vấn đề của gia đình hay xã hội”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ - Phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị: 

Mới đây, một phụ huynh đưa con bị tự kỷ đến trung tâm nói nếu trung tâm không nhận dạy con anh ta thì anh ta sẽ chết ngay tại trung tâm. Sau khi được các bác sĩ kết luận trẻ mắc chứng tự kỷ từ lúc 2 tuổi, phụ huynh này tìm đến một cơ sở giáo dục trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố. 

Tuy nhiên, do không gặp được hiệu trưởng, phụ huynh được người bảo vệ trường học lấy số điện thoại để liên lạc lại. Ngày hôm sau, có hai người tự xưng là giáo viên của trường đến tận nhà nhận can thiệp cho cháu bé với chi phí 200.000 đồng mỗi ngày. Nhưng suốt 2 năm trời với chi phí như vậy, cháu bé vẫn không có biến chuyển gì, thậm chí tình trạng ngày càng nặng hơn nên phụ huynh đã đưa con đến trung tâm.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, từ câu chuyện trên cho thấy chúng ta còn để phụ huynh có con bị tự kỷ “bơ vơ”, không biết nơi nào có đủ khả năng giáo dục, can thiệp cho trẻ tự kỷ. Nếu trẻ tự kỷ không được can thiệp đúng chuyên môn, đúng thời điểm sẽ mất đi cơ hội can thiệp trong giai đoạn phù hợp, còn phụ huynh tốn thời gian, công sức, tiền bạc.

Chị Phạm Hồng Dung có con bị tự kỷ phát biểu tại hội nghị.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trước sự gia tăng ngày càng nhiều của trẻ tự kỷ, nhưng tại TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có khoảng 10 cơ sở giáo dục trẻ chuyên biệt cho trẻ tự kỷ được cấp phép. Còn lại có khoảng 70 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ tự kỷ mở ra trên địa bàn không có giấy phép, không có chuyên môn về giáo dục trẻ tự kỷ. Hậu quả là nhiều trẻ tự kỷ vào những cơ sở này một thời gian rồi phải chuyển đi chỗ khác, vì không có sự chuyển biến, đồng nghĩa với việc trẻ bị tuột mất “thời gian vàng” để can thiệp. Do đó, cần có sự kiểm soát và chuẩn hóa hệ thống giáo dục, can thiệp đối với trẻ tự kỷ một cách chặt chẽ, bài bản hơn”.

Ông Hoàng Văn Quyên, giáo viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ở các nước phát triển, nhà nước rất quan tâm đến người bị tự kỷ, từ chính sách đến phương pháp giáo dục. Những gia đình có con bị tự kỷ bắt buộc phải vào các trung tâm điều trị theo chỉ định và được bảo hiểm y tế thanh toán, nên phụ huynh không phải lo về tiền bạc. Nếu gia đình nào không không đưa con bị tự kỷ vào trung tâm theo chỉ định của cơ quan nhà nước thì tự chi trả kinh phí”.

Chị Phạm Hồng Dung ở quận Bình Thạnh bức xúc vì từng phải đưa con đi đến nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt trong và ngoài nước, nhưng không được sự hướng dẫn của bất cứ cơ quan nào. 

“Tôi và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ bị mất phương hướng, phải tự mò mẫm tìm kiếm các cơ sở giáo dục cho con. Có nhiều phụ huynh tìm đến những cơ sở không có chuyên môn khiến vừa mất tiền, vừa tốn thời gian mà con không hề có kết quả gì. Chúng tôi làm sao biết được cơ sở nào có phép, cơ sở nào không phép. Ai chỉ ở đâu hay là chúng tôi đến đó. Cơ quan chức năng hãy cho chúng tôi biết những cơ sở nào được cấp phép, đừng để chúng tôi đơn độc”, chị Phạm Hồng Dung mong muốn.

Luật sư Trần Thị Hồng Việt tâm sự: “Các gia đình có con bị tự kỷ rất khổ tâm, do đó cần sự cảm thông của xã hội. Có gia đình tan vỡ, nhiều gia đình bán đất đai nhà cửa để chữa trị cho con mà chưa chắc khỏi. Đây cũng là gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhưng chưa được sự quan tâm của cơ quan chức năng. Luật và các văn bản dưới luật không nói gì đến quyền lợi của người bị tự kỷ, đây là một thiệt thòi lớn đối với gia đình có con bị tự kỷ”.

Ông Trần Diệp Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phát biểu: Về chuyên môn cho đội ngũ thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật cũng cần được quan tâm. Chúng ta cần có công trình nghiên cứu khoa học để có đánh giá chính xác về trẻ tự kỷ. 

Các đơn vị như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nội vụ và một số trường đại học như Đại học Sư phạm, Đại học Y cần ngồi lại bàn bạc xem nhu cầu đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ như thế nào thì mới tiến hành mở lớp đào tạo chuyên sâu, chứ không thể nói chung chung được”.

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát biểu: “Tự kỷ là vấn đề chung của xã hội, từ gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải cùng chung tay góp sức trước vấn đề tự kỷ hiện nay. Do đó, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ hơn về chứng tự kỷ, để góp phần giúp cho những người tự kỷ có thể sớm hòa nhập cộng đồng”. 

Bà Khánh cũng đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý các cơ sở giáo dục người tự kỷ hoạt động không phép.

Nhân Sơn
.
.
.