“Trắng tay” vì nhờ người vay vốn

Thứ Bảy, 03/11/2018, 11:02
Vì cần vốn làm ăn, gia đình bà Ka Rội (43 tuổi) cùng một số người dân tộc Kho khác ở xã vùng sâu Tân Thượng, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã ủy quyền cho bà Phạm Thanh Lý Kim Uyên (36 tuổi, ngụ tại TP Bảo Lộc), thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng.

Không nhận được tiền, nay bà Rội còn mất 8 tỷ đồng cùng hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã sang tên cho bà Uyên với cớ “đứng tên người Kinh mới vay được nhiều”.

Gia đình bà Ka Rội ngay giữa trung tâm xã Tân Thượng. Thoạt nhìn căn nhà, ai cũng nghĩ đây là hộ thuộc diện khá giả bậc nhất trong thôn. Nhưng, đó là chuyện của những năm về trước. Giờ đây, căn nhà trên chỉ là cái vỏ và có nguy cơ không thể giữ nổi khi đang bị nhiều nhóm thanh niên lạ liên tục kéo đến đe dọa, gây áp lực, đòi gia đình bà phải trả nợ với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng cả vốn lẫn lãi.

Gia đình các con của bà đã ở riêng nay cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Thực ra, nếu bán được căn nhà trên có lẽ vợ chồng bà Rội cũng đã bán rồi. Khổ nỗi, căn nhà và thửa đất này đã bị thế chấp để vay tiền.

Tai họa ập đến với vợ chồng bà Rội từ ba năm trước. Khi đó, thông qua giới thiệu của... “thầy bói” tên Tuấn ở TP Bảo Lộc, bà Rội quen bà Phạm Thanh Lý Kim Uyên (36 tuổi, ngụ tại thôn 1, xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc). Bà Uyên tự giới thiệu là người có quan hệ tốt với các ngân hàng, có thể làm thủ tục vay vốn nhanh, vay được nhiều, thời gian vay tới 15 năm. Do đang cần một khoản tiền lớn để kinh doanh phân bón, vợ chồng bà Rội đã nhờ bà Uyên đứng ra vay vốn ngân hàng, tài sản thế chấp là sổ đỏ với đất đang sản xuất cà phê của gia đình với diện tích khoảng 5,5ha.

Bà Rội sụt sịt kể: “Cô Uyên nói là với đất và cà phê tốt thế này thì mỗi hécta phải vay được 1 tỷ đồng. Cứ vay được 1 tỷ thì bà Uyên lấy 120 triệu đồng!..”. Do đang cần tiền gấp để đặt cọc kinh doanh phân bón, bà Rội đồng ý phương án bà Uyên đề xuất. Vợ chồng bà Rội ủy quyền cho bà Uyên đứng ra làm thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp là sổ đỏ 5,5ha đất đang sản xuất cà phê. Bà Rội cũng đã ứng trước cho bà Uyên 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, mấy tháng sau, bà Uyên trở lại gia đình bà Rội nói “do sổ đỏ đứng tên người dân tộc thiểu số, vay không được nhiều nên vợ chồng bà phải sang tên quyền sử dụng đất cho tôi...”. Tin bà Uyên, bà Rội cùng chồng là ông K Sép đã làm thủ tục sang tên hai sổ đỏ cho bà Uyên với diện tích 2,7ha. Tại bản cam kết thỏa thuận giao hai sồ đỏ số 412304753 và 229228, tờ bản đồ số 38, có sự xác nhận của UBND xã Tân Thượng vào ngày 22-1-2016 giữa bà Phạm Thanh Lý Kim Uyên và vợ chồng bà Ka Rội, ông KSép, nội dung ghi rõ: “Anh KSép giao sổ đỏ cho tôi để tôi vay vốn ngân hàng giúp anh. Số tiền vay tôi nhận được tôi sẽ đưa hết cho anh. Khi nào anh KSép trả hết tiền vay ngân hàng tôi sẽ sang lại số diện tích đã nêu trên cho anh”, bà Uyên cam kết.

Nửa năm sau vẫn không nhận được tiền, bà Rội tìm gặp bà Uyên thì được bà này trả lời “đã trót tiêu hết rồi”. Đến nay, vợ chồng bà Rội vẫn không biết bà Uyên có thực sự thế chấp tài sản của gia đình bà để vay tiền hay nhằm mục đích khác. Sau nhiều lần yêu cầu bà Uyên đưa tiền nhưng vẫn không được, bà Rội đề nghị trả lại các sổ đỏ.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của bà con.

Lúc này, bà Uyên lại “thủ thỉ”, để lấy được các sổ đỏ của gia đình bà Rội từ ngân hàng ra phải cần 6 tỷ đồng để đáo hạn cho một hợp đồng vay vốn khác, sau đó mới thế chấp tài sản này, vay lại vốn từ ngân hàng mới có tiền để rút sổ đỏ của vợ chồng bà Rội. Bà Uyên “dụ” vợ chồng bà Rội nhờ người đi vay số tiền trên, hằng tháng bà Uyên chịu trách nhiệm trả lãi cao cho vợ chồng bà Rội.

Chính vì vậy, trên thực tế bà Uyên vay của bà Rội 6,8 tỷ đồng nhưng trong giấy biên nhận tiền, các bên ghi là 8 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi. Bà Rội cho biết, để có được số tiền này, bà đã nhờ các con (đã ở riêng) và người thân cầm cố toàn bộ tài sản đi vay nóng với lãi suất cao.

Nhận tiền từ bà Rội xong, bà Uyên cắt đứt liên lạc. Bà Rội tìm đến địa chỉ ghi trong các giấy tờ thì bà Uyên không sinh sống ở đây. Nay không có tiền trả, các con bà và những người liên quan cũng đang bị “xã hội đen” gây sức ép, lâm vào cảnh “sống không đặng, chết chẳng xong”.

Cùng thời điểm này, ông KB Rel (46 tuổi, ngụ thôn 3, xã Tân Thượng) cũng ủy quyền cho bà Phạm Thanh Lý Kim Uyên thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay vốn ngân hàng. Theo ông KB Rel, vợ chồng ông muốn vay hơn 1 tỷ đồng, gia đình ông đã đưa phần trăm cho bà Uyên tổng cộng 180 triệu đồng.

Sau nhiều tháng, bà Uyên vẫn không vay được tiền nên ông đã yêu cầu bà Uyên trả lại sổ đỏ, vốn được dùng để thế chấp vay ngân hàng. Riêng 180 triệu đồng, đến nay bà Uyên vẫn không chịu trả. Cả bà Ka Rội và ông KB Rel đều có đơn tố cáo sự việc tới Công an tỉnh Lâm Đồng.

Theo bà Rội, trong buổi làm việc với cơ quan Công an, bà Uyên đã thừa nhận sự việc, đồng thời hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Ka Rội, ông KB Rel cùng các sổ đỏ, chậm nhất vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, từ đó tới nay bà này vẫn không thực hiện cam kết, đồng thời cắt đứt liên lạc với các nạn nhân.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, huyện Di Linh, việc bà con dân tộc thiểu số nhờ người ở địa phương khác thế chấp tài sản vay mượn tiền ngân hàng diễn ra khá phổ biến. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà con, nhiều đối tượng đã “dụ” bà con sang tên sổ đỏ cho chúng với cớ “đứng tên người Kinh vay được nhiều tiền hơn” rồi chiếm đoạt luôn.

Theo UBND xã Tân Thượng, trường hợp như gia đình bà Ka Rội, ông KB Rel xảy ra tại địa phương không phải ít. Chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng nhiều đối tượng bằng các hình thức vẫn dụ dỗ, chiếm đoạt tài sản của bà con bằng các cách thức rất tinh vi. Khi xảy ra tranh chấp bà con đều đuối lý vì “giấy trắng mực đen đã rành rành”, tài sản trị giá hàng tỷ đồng dễ dàng lọt vào tay người khác.

Khắc Lịch
.
.
.