Điểm sạt lở ở An Giang:

Toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 sụp xuống sông Hậu

Thứ Ba, 20/08/2019, 14:35

Lúc 4h, sáng 20-8, khu vực sạt lở trên Quốc lộ 91 (đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) tiếp tục lở đất cặp sông Hậu với chiều dài gần 30m, làm sụp hoàn toàn mặt đường Quốc lộ 91, sạt lở “ăn” sát khu dân cư.


Trước đó, trong ngày 19-8, toàn bộ số bao cát (cao hơn mặt nước sông Hậu khoảng 1m) mà đơn vị thi công thả xuống sông Hậu nhằm ổn định đường bờ, gia cố mái ta-luy để khắc phục sự cố sạt lở đã bị sạt hoàn toàn xuống sông. Quan sát trên mặt đường Quốc lộ 91, phía bờ sát khu dân cư xuất hiện nhiều vết răn nứt rộng khoảng 1cm, chạy dài hàng chục mét và đang có dấu hiệu tiếp tục phát triển thêm. 

Hiện trường sạt lở Quốc lộ 91 (đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) - Ảnh chụp vào ngày 20-8.

Đến sáng 19-8, thì toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 bị sạt xuống lòng sông Hậu. Cùng ngày, các đơn vị chức năng của tỉnh An Giang đã cho tạm dừng thi công, giao cho tư vấn thiết kế khảo sát địa hình đáy sông và 2 hố khoan địa chất để đánh giá lại địa chất khu vực, đưa ra giải pháp thi công hoàn trả lại nền đường tuyến Quốc lộ 91. 

Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân ở trong khu vực nguy hiểm, UBND huyện Châu Phú đã vận động 11 hộ dân trong tạm thời di dời đến nhà người quen ở khu vực an toàn. Khuyến cáo bà con tuyệt đối không được ngủ lại trong nhà nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời cắt cử lực lượng túc trực 24/24 tại 2 chốt ở khu vực sạt lở để hướng dẫn và cảnh báo người dân không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Ngành chức năng tỉnh An Giang đã cho ngừng việc thả bao cát xuống sông Hậu tại khu vực sạt lở, để tìm giải pháp khả thi hơn.

Như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 27-7, tại Quốc lộ 91 đoạn từ Km 89+250 đến Km 89+390 (dài khoảng 140 m, thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) xuất hiện nhiều vết nứt dọc trên mặt đường, với chiều dài trên 60 m, ăn sâu vào 1/3 mặt đường chạy dọc bờ sông Hậu, nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Đến đêm 31-7 và rạng sáng 1-8, tại vị trí này đã xảy ra sạt lở lớn, vết sạt lở ăn sâu hơn 1/2 mặt đường với chiều dài 85 m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, đe dọa đến 26 hộ dân nằm trong vùng cảnh báo. 

Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 15 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Sau đó, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, để khắc phục sự cố  tỉnh An Giang đã triển khai thả bao tải cát nhằm gia cố, ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy từ trưa 30-7.

 Phạm vi công trình theo thiết kế với phương án thả bao tải cát có tổng chiều dài xử lý khẩn cấp là 160m (trong đó chiều dài phần đã sạt lở là 85m, phần tiếp giáp về phía thượng lưu và hạ lưu là 75m) với tổng khối lượng cát tương ứng khoảng 26.000 m3, tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, do tỉnh An Giang tạm ứng để xử lý sạt lở khẩn cấp. 

Đến ngày 17-8, đơn vị thi công đã thả bao cát được khoảng 90% khối lượng theo chỉ dẫn của tư vấn thiết kế. Khi triển khai đến phần tạo mái dốc bằng các gói vải địa kỹ thuật từng lớp dày 50cm vào phần nền đường sạt lở thì bị trượt xuống sông Hậu.




Trần Lĩnh
.
.
.