Tình trạng sạt lở tại ĐBSCL: Cần các giải pháp tổng thể phù hợp

Thứ Sáu, 31/03/2017, 09:33
Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, thời gian qua các chuyên gia, nhà khoa học cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã đưa ra hàng loạt giải pháp, khắc phục. Tuy nhiên, có thể thấy các giải pháp tạm thời không mang lại hiệu quả cho công tác phòng chống sạt lở hiện nay…

Theo các chuyên gia, sạt lở đê biển trầm trọng thời gian qua có nhiều nguyên nhân gây ra, như: thời tiết bất thường, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của triều cường, nước biển dâng cao, sóng to đánh vào bờ… Thêm vấn đề cần lưu ý là lượng phù sa đổ về ngày càng giảm mạnh do các đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mekong bị chặn dòng; nạn khai thác cát ở các tỉnh ĐBSCL, cộng với tình trạng khai thác nước ngầm để nuôi tôm ở các vùng ven biển gây ra hiện tượng đất sụt lún, lòng đất yếu nên dễ xói lở.

Qua khảo sát của các nhà khoa học cho thấy, giai đoạn từ năm 2003 - 2012, các vùng biển bùn thuộc Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang… nhiều nơi sạt lở đến 50m/năm, nhiều nhất là phía biển Đông. Trong khi phía biển Tây dù ít sóng nhưng cũng sạt lở mạnh.

Kè đá hay kè rừng?

Nhiều tuyến đê kè được xây dựng kiên cố với hàng chục tỷ đồng nhưng cũng chỉ chống trọi với sóng biển trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó cũng bị “khuất phục”. Ở vùng biển Gành Hào (Bạc Liêu), nhiều người dân chứng kiến cảnh từng mảng đá lớn, của tuyến đê kè bị sóng biển đánh vỡ, sau đó cuốn phăng ra biển. Theo người dân, dù kè được xây dựng kiên cố đến đâu nhưng không có lá chắn bảo vệ thì khó “chiến đấu” lâu dài với sóng biển được.

Cụ thể, công trình kè Gành Hào (đoạn kè G1-185 tiếp giáp đoạn kè G2-158, điểm bị sạt lở) khởi công xây dựng từ năm 2003, đưa vào sử dụng năm 2006 và được đánh giá là một trong những kè kiên cố nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, “trụ” được khoảng 10 năm thì bị sạt lở, nhất là 2 năm trở lại đây. Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, kè Gành Hào sau khi đưa vào sử dụng, qua quan trắc môi trường cho thấy bị sụt lún khá lớn. Khối đất đá, bệ đỡ, hàng cọc, độ rữa đất cũng có ảnh hưởng lớn.

Đặc biệt, bãi kè đã có những tác động nghiêm trọng. Dòng chảy có sự thay đổi tại bờ sông Gành Hào, bởi nơi đây là cuối biển - đầu sông, nên nước từ cửa sông chảy ra biển gặp phải gió mùa đông bắc thổi, tạo thành sóng lớn làm xoáy lở bờ sông thêm trầm trọng… Hay tại tỉnh Trà Vinh, do sạt lở càng lúc càng nhiều nên các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh xin Trung ương hỗ trợ kinh phí kè kiên cố khoảng 10,3km ở những khu vực trọng yếu thuộc thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải. Dự án kè kiên cố được triển khai nhiều năm, nhưng đến nay mới hoàn thành được khoảng 5,6km, số còn lại chưa thực hiện do thiếu kinh phí.

Tại Tiền Giang, do rừng phòng hộ bị mất nghiêm trọng nên sạt lở đê biển gia tăng. Cuối năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 400 tỷ đồng đầu tư kè mái đê biển Gò Công ở những đoạn xung yếu. Trước đó, tỉnh triển khai dự án kè mái chống sạt lở hơn 6,3km, đến nay thi công được 5,3km thì sạt lở tiếp tục lấn sâu, nên tiếp tục nâng chiều dài kè lên 10km…

Trái ngược với việc bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng bờ kè, tại vùng biển Tân Thuận (Cà Mau), trước đây là điểm nóng của tình trạng sạt lở. Nhưng khi làm kè ngầm tạo bãi thì việc sạt lở không còn diễn ra. Không những thế mà phù sa còn bồi lắng, cây rừng mọc trở lại. Nếu rừng được bảo vệ, thì việc sạt lở sẽ hạn chế vì rừng che chắn, cản sóng rất tốt. Cách làm này vừa ổn định môi trường, vừa tạo sinh kế cho người dân ven biển mưu sinh dưới tán rừng…

Hiện tại, giải pháp xây “kè mềm” - trồng lại rừng ven biển, khôi phục đai rừng phòng hộ… được các nhà khoa học đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, các đai rừng ven biển càng ngày càng mỏng và mất dần, có nơi sạt lở đã cuốn trôi cả đai rừng nên công tác trồng lại rừng là rất khó thực hiện. Mặc dù vậy, ở một số địa phương có điểm sạt lở đã chủ động trồng lại rừng phòng hộ, như tại cù lao Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh).

Trước, nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm hécta đất của người dân bị cuốn trôi ra biển, nhiều người phải bỏ đi nơi khác. Nhưng từ những năm 2000, người dân xứ cù lao Long Hòa bắt đầu trồng rừng trở lại (chủ yếu là cây bần). Sau 10 năm, diện tích trồng và tự nhiên thống kê được trên 146ha.

Hiện nay, đã tăng lên hơn 260ha. Cùng với xã Long Hòa thì 15km bờ biển ở các xã Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc và thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cũng mọc lên những vạt rừng phòng hộ bảo vệ cư dân ven biển.

Cần các giải pháp tổng thể

Theo TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ), cho biết: “Vấn đề sạt lở đê biển, bờ biển đã được các nhà khoa học cảnh báo từ nhiều năm trước và thực tế cho thấy tình hình càng lúc càng nghiêm trọng. Nên hiểu rằng, khi bờ biển thiếu cát, thiếu phù sa và mất luôn cả rừng phòng hộ thì dù có kè kiên cố đến đâu, khi sóng đánh lâu ngày (khoảng hơn 10 năm trở đi) thì chân kè cũng bị xói lở và nguy cơ đổ vỡ thân kè có thể xảy ra. Điều đó cho thấy, khi các ngành chức năng muốn triển khai thực hiện kè kiên cố chống sạt lở đê biển thì nên cân nhắc tính hiệu quả về kinh tế.

Cần thấy rằng, trong điều kiện sạt lở đê biển, bờ biển chưa có điểm dừng, vì vậy chính quyền địa phương nên qui hoạch lại vùng sản xuất, vùng bố trí dân cư… theo hướng ra xa nơi sạt lở. Về lâu dài cần tính toán nhiều giải pháp đồng bộ như kè, trồng rừng, tạo bãi, hạn chế khai thác cát, tái tạo chân bờ biển… để ứng phó với nạn sạt lở”.

Khai thác cát trái phép là một trong những nguyên nhân gây sạt lở ở ĐBSCL.

Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu, cho biết: “Thực tế thời gian qua cho thấy chúng ta không thể chống thiên nhiên trực tiếp được, mà cần có giải pháp “phá sóng” từ xa. Theo đó, giải pháp gây bồi tạo bãi, khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển là bền vững nhất”.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu sinh thái ĐBSCL, vùng ĐBSCL với 700km bờ biển thì đến nay có hơn 50% chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều mức độ khác nhau. Trước đây lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về vùng ĐBSCL mỗi năm khoảng 160 triệu tấn, nhưng từ khi phía Trung Quốc xây dựng 7 đập thủy điện thì lượng phù sa giảm còn 75 triệu tấn/năm; tới đây nếu 11 đập thủy điện ở Lào và Campuchia hoạt động ngăn dòng chính sông Mekong thì lượng phù sa tiếp tục giảm xuống mức còn khoảng 42 triệu tấn/năm. Đối với lượng cát di chuyển từ thượng nguồn về ĐBSCL nguy cơ biến mất 100%.

Song song đó, tình trạng khai thác cát tràn lan thời gian qua ở ĐBSCL đã làm mất đi khoảng 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu; hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3m. Cần thấy rằng, vai trò của cát là rất quan trọng, không chỉ dùng để san lấp thông thường mà nó còn có nhiều vai trò khác, trong đó giúp ổn định bờ sông, bờ biển là không thể thiếu. Chưa kể, khi cát bị mất nhiều thì sạt lở gia tăng và phạm vi đất đai sẽ bị thu hẹp lại.

Trần Lĩnh
.
.
.