Báo động tình trạng sạt lở trên diện rộng ở ĐBSCL

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:51
Thời gian gần đây, trước những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở đê biển ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đời sống và sản xuất của người dân. Không chỉ cuốn trôi các tuyến rừng phòng hộ, san bằng các khu dân cư ven biển, sóng biển còn “nuốt” trọn đất sản xuất…



Cuốn theo… sóng biển

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chiều dài bờ biển hơn 700km. Dọc theo các tuyến ven biển là nơi đông đảo người dân sinh sống để khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, trồng hoa màu… Tuy nhiên, những năm gần đây các khu dân cư ven biển bị đe dọa, đất sản xuất bị cuốn trôi. Ghi nhận ở một số địa phương, tình hình sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân lo lắng.

Theo UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre), chỉ tính riêng đợt sóng biển giữa tháng 2 vừa qua, toàn xã bị sạt lở khoảng 2km bờ đê, ăn sâu vào đất liền khoảng 10m. Có tổng cộng 25 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 2 căn nhà bị sập hoàn toàn và 5ha rau màu bị sóng cuốn trôi, tổng thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Ngoạt (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận), cho biết: “Sóng biển dâng cao kết hợp với triều cường dữ dội, khiến cho người dân trồng hoa màu và nuôi thủy sản tại khu vực không kịp trở tay. Sóng đánh rất mạnh, có lúc cột sóng cao bằng nóc nhà, “oanh tạc” các vách tường, tài sản trôi hết. Giờ muốn tái sản xuất, nhưng lại sợ sóng biển “ăn” hết”.

Ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận chia sẻ, dù địa phương đã nỗ lực khắc phục như làm kè, trồng cây chắn sóng… nhưng sạt lở cứ ngày càng trầm trọng. Ước tính bình quân biển lấn sâu vào đất liền khoảng 10-20m/năm.

Tại biển Bạc Liêu, khu vực kè Gành Hào hiện tại đã bị sạt lở đến 87m chiều dài, chiều rộng sạt lở 10m, chiều sâu trung bình 2,5m. Phần hành lang phía sau tường kè bị sạt lở dài 65m, chiều rộng 6m, sâu từ 0,2 - 1,5m. Nguy hiểm nhất là phần mũ chắn sóng bị gãy hoàn toàn trên 47m. Tương tự, tại kè Nhà Mát, sóng biển đánh làm phần mũ chắn sóng kè gãy trên 20m rơi xuống mái kè…

Nếu tình huống xấu xảy ra là kè Gành Hào bị sạt lở, thì có trên 8.000 hộ dân sinh sống tại thị trấn Gành Hào bị ảnh hưởng. Nhà ở gần kè Gành Hào, bà Hồ Thị Dân (ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), lo lắng: “Đến tối là người dân chúng tôi không dám ngủ. Sóng biển đánh mạnh quá, sóng đánh dội vào thân kè làm đất phía trong cũng rung chuyển. Nếu kè mà sập thì xem như hàng ngàn hộ dân ở phía sau kè sẽ bị ảnh hưởng”. Theo người dân địa phương cho biết, đây là năm thứ hai liên tiếp kè Gành Hào bị sạt lở.

Sạt lở tuyến đê biển Gành Hào (Bạc Liêu).

Tại khu vực cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), khoảng 4 năm trở lại đây, tình hình sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng. Con đường từ Đồn biên phòng cũ chạy ra Vàm Xoáy trước đây, giờ đã bị lở mất, nên dân ở đây khi đi lại phải di chuyển trên những cây cầu nối tiếp nhau. Một số hộ dân đã không chịu được cảnh phải dời nhà từ vài lần trong một năm, nên đã bỏ đi nơi khác.

Rừng phòng hộ đang mất dần

Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau dự báo, tình hình sạt lở ven biển Đông của tỉnh năm 2017 sẽ rất phức tạp. Hiện đã có khoảng 48km sạt lở ở mức độ nguy hiểm (trong đó có 24,5km sạt lở ở mức rất nguy hiểm). Đặc biệt, từ đầu tháng 2 đến nay, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp cùng triều cường dâng cao đã làm nhiều đoạn rừng phòng hộ bị mất 50 - 80m, với chiều dài khoảng 10km.

Điển hình xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn) là một trong những điểm sạt lở nóng nhất ven biển Đông của tỉnh Cà Mau thời gian qua. Xã này có hai cửa biển là Hố Gùi và Bồ Đề. Đa phần bà con làm nghề biển đều tập trung tại khu vực này để thuận tiện cho việc khai thác thủy hải sản. Mỗi năm vạt rừng mắm, rừng đước che chở cho khu dân cư bị biển gặm nhấm dần... và đã nuốt chửng hàng chục nhà dân.

Ông Huỳnh Văn Sáu - Chủ tịch xã Tam Giang Đông, thừa nhận: “Tình trạng sạt lở ven biển của xã không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân trong các khu dân cư mà còn lấn mất rất nhiều rừng. Năm 2001, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã khoảng 7.100ha, nhưng hiện nay diện tích đó chỉ còn 6.100ha. Chỉ vài tháng qua, sóng biển cuốn mất từ 50 - 70m rừng phòng hộ, ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến vuông tôm người dân canh tác”.

Còn riêng tuyến đê biển Tây của Cà Mau có chiều dài khoảng 108km với thảm rừng phòng hộ dày hơn 1km che chắn sóng gió. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mỗi năm trung bình thảm rừng ven biển Tây bị cuốn mất  khoảng 50m lấn sâu vào bên trong. Nghiêm trọng nhiều đoạn mất khoảng 10m/tháng.

Ghi nhận tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), đoạn đê của xã này dài khoảng 4km, là một trong những đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2015, mặc dù lực lượng chức năng đã khẩn trương làm kè tạm bảo vệ chân đê, nhưng do mưa bão nên có những nơi diện tích rừng chỉ còn vài mét.

Tại tỉnh Trà Vinh, có tuyến đê biển dài khoảng 65km đi qua các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, với khoảng 17.000 hộ dân sinh sống. Ghi nhận tại những tuyến đê biển, những hàng phi lao cao ngun ngút, to bằng ôm tay chỉ  còn lại trơ gốc do sóng biển đánh sập.

Tại tỉnh Tiền Giang, dọc chiều dài tuyến đê biển Gò Công khoảng 17km đều bị sạt lở đe dọa, bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền 8-10m. Sạt lở đê biển làm mất hàng chục ha rừng phòng hộ và “lá chắn sóng” này tiếp tục mất bởi sạt lở ngày càng trầm trọng. Theo tính toán, tuyến đê biển Gò Công bảo vệ cho khoảng 38.000hécta đất sản xuất và hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống trong vùng ngọt hóa Gò Công.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, ký Quyết định số 354/QĐ-UBND, công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai, sạt lở nghiêm trọng. Để khắc phục hậu quả, tỉnh Bạc Liêu cần khoảng 40 tỷ đồng để triển khai nhanh biện pháp khẩn cấp, không cho sạt lở và sụt lún phát sinh thêm. Còn về ổn định lâu dài thì Bạc Liêu cần nguồn vốn đến 210 tỷ đồng để xử lý sạt lở.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng vừa có tờ trình số 34, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trưng ương khẩn cấp hỗ trợ Cà Mau 200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kè, khắc phục các đoạn sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng trức tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trần Lĩnh
.
.
.