Sẽ di dời hàng ngàn hộ dân sống "tạm bợ" trong Kinh thành Huế
- Hơn 9,3 tỷ đồng tu bổ một phần hệ thống Kinh thành Huế
- Nhiều hồ di tích giữa kinh thành Huế đang bị “bức tử”
- Khẩn trương di dời 11 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm
Sáng 9-10, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, sau nhiều lần họp bàn với các cơ quan chức năng, Bộ ngành Trung ương, hiện tỉnh đã có phương án di dời khoảng hơn 4.200 hộ dân sinh sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Theo đó, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2019 đến 2021 với tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Cụ thể, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Thượng Thành - Eo Bầu, hộ thành hào, tuyến phòng lộ và các di tích khác như hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ…
Hơn 4.200 hộ dân sống “treo” ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sẽ được di dời. |
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định với diện tích 73ha tại phường Hương Sơ, TP Huế với kinh phí hơn 1.360 tỷ đồng để làm nơi ở mới cho hàng ngàn hộ dân kể trên.
Kinh thành Huế là công trình được xây dựng từ năm 1805 đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng mà nguyên nhân một phần là do người dân sinh sống trên khu vực này. Tìm hiểu được biết, hiện có khoảng 6.000 hộ dân với 20.000 nhân khẩu đang sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, trong đó tính riêng khu vực Thượng Thành - Eo Bầu, Kinh thành Huế có hơn 1.200 hộ dân thuộc các phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc (TP Huế).
Những căn nhà tạm được xây dựng từ hàng chục năm trước trên Kinh thành Huế là nơi ở của một gia đình có từ 2, 3 thế hệ. |
Để bảo vệ di tích Kinh thành Huế, từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt dự án “Đầu tư tu bổ, tôn tạo Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011 đến 2015.
Theo đó, dự án sẽ thực hiện giải tỏa các hộ dân sống trong khu vực Kinh thành Huế và triển khai tu bổ, chống xuống cấp di tích. Thế nhưng sau 7 năm trôi qua, vì nhiều vướng mắc nên dự án dường như “dậm chân tại chỗ” và chỉ di dời được 170 hộ dân ở mặt Nam của Kinh thành.
Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho biết: “Phường có khoảng 400 hộ dân đang sinh sống trên khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. Do đây là khu vực 1 của Quần thể Di tích được bảo vệ nghiêm ngặt nên phần lớn nhà cửa của người dân đều rất tạm bợ, không thể xây mới hoặc cơi nới, sửa sang dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là nước thải sinh hoạt, rác thải được người dân thải ra đã ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan di tích”.
Các công trình nhà cửa của người dân xâm phạm đến di tích Kinh thành Huế. |
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, hiện trong Kinh thành Huế có 10 điểm “nóng” cần được ưu tiên di dời nhưng cần phải xây dựng cơ chế đặc thù và lộ trình cụ thể mới có thể giải tỏa, di dời các hộ dân sống trong vùng di tích.