Tìm giải pháp để sống với hạn, mặn
- “Cò” lùng sục mua lúa non trong đợt hạn mặn lịch sử
- Xã nghèo quay quắt trong hạn mặn
- Vĩnh Long – Trà Vinh thiệt hại hơn 700 tỉ do hạn mặn
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Trước thông tin Trung Quốc và Lào xả lũ để cứu vùng ĐBSCL khỏi hạn, mặn thì qua quan sát vệ tinh, phía Thái Lan cũng đang ra sức lấy nước trên dòng Mê Kông để cứu những vùng khô hạn ở nước này với lưu lượng 150m³/s tại các trạm bơm.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện thông tin: “Lưu vực sông Mê Kông chia làm 2 phần: thượng lưu vực nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực tính từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống tới bờ biển Việt Nam. Tổng dòng chảy trung bình của con sông này là 475 tỉ m³/năm. Trong đó, 16% đến từ Trung Quốc, 2% từ Myanmar và 82% là nước mưa ở hạ lưu vực. Vì vậy, lượng nước ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng chủ yếu của lượng mưa ở hạ lưu vực. Vai trò của lượng nước ở Trung Quốc tăng lên vào mùa khô do đóng góp tới 30% dòng chảy”. Vì vậy, tình trạng khô hạn, ít mưa ở phần hạ lưu vực mới là yếu tố quyết định đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Hạn mặn gây thiệt hại hàng trăm ngàn hécta lúa ở ĐBSCL. |
Tác động lớn của các đập thuỷ điện Trung Quốc đến ĐBSCL không phải là lượng nước mà là việc làm giảm đến 50% lượng phù sa đổ về ĐBSCL, ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất, tới nông nghiệp và làm cắt đứt quá trình bồi tụ phù sa, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển.
“Xác định nguyên nhân chính để có cách ứng phó với tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL hiện nay. Năm nay, hạn mặn gây ra thiệt hại cho vùng ven biển rất lớn, người dân mất sinh kế thì không yên. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh, không nên lấy một sự kiện cực đoan để làm chuẩn cho một chiến lược lâu dài. Một chiến lược lâu dài phải dựa vào xu thế diễn biến nhiều năm, có dự trù cho tình huống cực đoan để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất”, ông Thiện đánh giá.
ĐBSCL được thiết kế với “3 túi nước điều hoà” gồm: Biển Hồ (rộng 300.000ha) ở Campuchia, phía Việt Nam có vùng Tứ Giác Long Xuyên (rộng 590.000ha) và vùng Đồng Tháp Mười (rộng 700.000ha). Hằng năm, khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, đến Campuchia, nguồn nước chảy vào Biển Hồ làm hồ rộng ra từ 5-6 lần và chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu từ 3-4m.
Chính 3 túi nước này điều hoà cho ĐBSCL, mùa lũ cất giữ bớt nước lũ làm cho lũ hiền hoà hơn, để rồi từ từ nhả nước ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn ven biển vào mùa khô. Ngày nay, do biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người đã làm cho 3 túi nước này “biến dạng”. Mùa lũ hung hãn hơn hoặc mùa khô bị hạn và mặn tấn công.
Tại ĐBSCL, 20 năm trở lại đây, rất nhiều diện tích trong 2 túi nước Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã được đê bao khép kín để canh tác lúa 3 vụ/năm. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài đê bao ngập từ 3-4m. Nước không vào được thì tìm nơi khác gây tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và làm ngập làng mạc, thành phố phía dưới và thoát ra biển nhanh hơn.
Cụ thể, từ năm 2000-2011, khả năng trữ lũ của Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ m3 xuống còn 4,5 tỉ m³, giảm 4,7 tỉ m3 do diện tích khoảng 1.100km² ô đê bao khép kín của vùng này. Khối nước 4,7 tỉ m³ không vào được trong đồng đã gây ngập ở hạ lưu trong mùa lũ và không có nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển.
“Hiện nay ở Tây Nguyên, thuỷ điện Yaly cũng lấy nước từ sông Sê San (một chi lưu lớn của sông Mê Kông) nên ngành chức năng có thể yêu cầu thuỷ điện này xả lũ cứu ĐBSCL”, ông Tuấn nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng khuyến cáo, ứng phó với hạn, mặn, trong sản xuất có thể dự báo để thay đổi lịch thời vụ hoặc né tránh xuống giống để hạn chế thiệt hại. Đối với những vùng ven biển nên thực hiện mô hình luân canh lúa - tôm. Hiện nay, mô hình này rất thành công nhưng nông dân cần sự hỗ trợ nguồn vốn từ ngành Nông nghiệp xây dựng công trình nhỏ để kiểm soát mặn theo mùa thay vì đầu tư công trình vĩ đại tốn kinh phí nhưng chưa biết được hệ quả.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nguyên tắc “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa có nguyên tắc tiết kiệm nước tưới theo kỹ thuật “tưới ngập khô xen kẽ”. Thay vì sử dụng 5m3 để sản xuất ra 1kg lúa, kỹ thuật này giúp nông dân chỉ cần sử dụng đến 2-3m3 nước, giúp tiết kiệm nguồn nước ngọt. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng trồng lúa trong điều kiện canh tác không ngập nước, với việc quản lý cỏ dại, phân bón bằng kỹ thuật tương thích và sử dụng giống lúa thích nghi có hệ thống rễ cải tiến.
Mực nước sông Mekong tăng, xâm nhập mặn giảm dần Do thuỷ điện Trung Quốc và Lào cùng xả nước, lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long đang tăng lên trong khi mực nước đỉnh triều đang giảm. Dự báo từ nay đến hết tháng 4, độ mặn có khả năng giảm dần trên các sông ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mekong đang tăng lên. Tại các trạm chính ở vùng thượng và trung lưu đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-2,0m, các trạm vùng hạ lưu cao hơn từ 0,01- 0,2m. Dự báo khoảng 3-4 ngày nữa (khoảng ngày 4 – 5-4), lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức cao nhất với lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu khoảng 3200-3500m3/s, Châu Đốc khoảng 600-750m³/s. Theo quy luật dòng chảy các năm gần đây thì hồ chứa từ Trung Quốc còn tiếp tục xả, do đó giá trị lưu lượng này khả năng còn tiếp tục duy trì đến cuối tháng 4. Tuy nhiên lưu lượng lớn nhất tại trạm Tân Châu (sông Tiền) vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và 2015; tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tương đương năm 2015, nhưng thấp hơn năm 2014. Theo dự báo, từ nay tới cuối tháng 4, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần. Riêng hệ thống sông Đồng Nai, Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau - Kiên Giang, độ mặn cao nhất có khả năng sẽ xuất hiện vào nửa đầu tháng 4, sau đó giảm. Độ mặn 4g/l cao nhất trong tháng 4 ở khu vực cửa sông Tiền, sông Hậu có khả năng lùi xa từ 10-15km nhưng vẫn sâu hơn TBNN và năm 2015. Riêng khu vực sông Vàm Cỏ, độ mặn 4g/l tiếp tục lấn sâu vào 90-100 km, sâu hơn TBNN và năm 2015 khoảng 10-15km. (K. Vy) |