Tìm giải pháp bền vững để chấm dứt nạn bạo hành trẻ em

Chủ Nhật, 10/12/2017, 11:21
Cho tới thời điểm này, cơn phẫn nộ của dư luận vẫn chưa lắng xuống về các bảo mẫu Trường Mẫu giáo Mầm Xanh, quận 12, TP Hồ Chí Minh bạo hành trẻ dã man. Các giải pháp hỗ trợ cho trẻ đang được chính quyền địa phương tích cực triển khai.

Tuy nhiên, khi được hướng dẫn, người thân của số trẻ gửi tại đây lại từ chối gửi con vào trường công lập, tiếp tục chọn các nhóm trẻ gia đình, tư thục. Trong khi ấy, vì nhiều lý do, không thể buộc chủ doanh nghiệp phải lo chỗ gửi trẻ cho người lao động.

“Điên đầu” vì nhóm trẻ!

Sau vụ việc cơ sở Mẫu giáo Mầm Xanh, mối quan tâm vì sao nhiều vụ việc tương tự đã bị xử lý, thậm chí truy tố, phạt tù, nhưng nhiều vụ việc vẫn xảy ra. Đặc biệt, có một con số "khủng" mà ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh vừa công bố, đang có 335.222 trẻ mầm non (MN) được nuôi dạy tại các cơ sở công và tư trên địa bàn, trong đó có tới 1.551 nhóm nhà trẻ tư thục đang nuôi dạy trên 100.000 trẻ; ở những nơi mà có nguy cơ cao của nạn bạo hành.

Vì an toàn cho trẻ cần nhiều hơn nữa những nhà trẻ cho con em công nhân.

Trao đổi với PV, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, thực trạng đời sống và nhu cầu gửi trẻ của nữ công nhân tại TP Hồ Chí Minh rất lớn. Tại công ty, xí nghiệp của KCN-KCX, chiếm gần 70% là lao động nữ. Tỉ lệ công nhân nữ có con trong độ tuổi MN chiếm gần 60%, độ tuổi dưới 3 tuổi chiếm 58,6%. Do đó, vấn đề nhà trẻ tại các KCN luôn đặt ra nhiều bức xúc.

Nhưng vì nhiều lý do, không thể "ép" các chủ doanh nghiệp được. Cũng vào năm 2013, ngay sau khi xảy ra vụ bạo hành tại cơ sở Mầm non Phương Anh (Thủ Đức), Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”. Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt quyết định hỗ trợ cho nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực KCN-KCX trên địa bàn.

Chủ yếu hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi được gửi trẻ. Thời điểm thực hiện đề án trên, địa bàn TP Hồ Chí Minh có số trường MN là: 939 trường (2014-2015), nhưng số nhóm, lớp độc lập là 1.518 nhóm, lớp. Trước đó, năm học 2013-2014, con số này tương đương là: 912 trường và 1.469 nhóm, lớp. Tổng số trẻ MN trên toàn địa bàn là 321.670 trẻ. Trong đó số trẻ độ tuổi nhà trẻ là 60.484 trẻ (chiếm 32,4%); Mẫu giáo là 261.186. Số giáo viên (GV) năm 2014-2015 là: 19.230 GV…

Ngày 17-8, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn TP.HCM từ 2016-2020" với việc triển khai thực hiện thí điểm giữ trẻ đến 17h30 và cả ngày thứ bảy tại một số trường MN. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số cơ học quá nhanh thì các việc đã làm được chỉ như "muối bỏ bể".

Lo ngại vi phạm Luật Lao động 

Cũng theo bà Liên, trong đề án "Giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân", chỉ có những trường MN nằm trong KCN, KCX của công lập thì mới được hưởng chương trình này. Theo đó, 50% nguồn kinh phí do Nhà nước lo, 50% do doanh nghiệp và phụ huynh cùng bỏ ra. Mức GV được hưởng trong lao động là 33.000 đồng/h và 44.000 đồng/giờ. Thế nhưng, có một trở ngại đặt ra là Luật Lao động cũng qui định, với GV của ngành, không được vượt quá 200 giờ lao động/tuần. GVMN trung bình 1 tuần với 5 ngày làm việc (trừ thứ 7, chủ nhật nghỉ) thì 60 giờ/tháng.

Như vậy, tối đa mỗi GV MN làm được 3 tháng. Vì nếu làm liên tục 9 tháng (540 giờ) sẽ vi phạm Luật Lao động. Cũng theo bà Liên, với mỗi GVMN khi sắp xếp dạy trẻ tại những trường MN trong KCN-KCX, họ chỉ tham gia khoảng 3 tháng/năm. Ngoài ra, GV MN còn đang thiếu trầm trọng, do đó tuỳ từng trường mà có số GV xung phong làm việc này hay không. Bà Liên cho rằng: "Thoả mãn nhu cầu của phụ huynh thì cũng phải đảm bảo quyền lợi của người GV".

Cũng theo bà Liên: Khi đề xuất việc có nhà giữ trẻ cho con em công nhân, ngành GDTP đã đề nghị rõ, khi DN đầu tư trên địa bàn TP thì phải đầu tư khu đất liền kề cho việc giữ trẻ cho con em công nhân. Nhưng rõ ràng là ý kiến này không hề được quan tâm. Ngành GDTP đề xuất: buộc các chủ doanh nghiệp khi thuê mướn người lao động, có số đông công nhân nữ phải có nhà trẻ cho công nhân. Tuy nhiên, khi đề xuất này đưa ra lập tức lại bị "vướng" bởi qui định của Thủ tướng: không được qui hoạch nhà trẻ trong khu SX, khu công nghiệp vì ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ do nguy cơ ô nhiễm môi trường, độc hại của khí thải.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vụ bạo hành bé trai 10 tuổi

Ngày 9-12, UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung liên quan đến việc bé trai Trần Nguyên Khánh 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành tại phường Nghĩa Đô, quận cầu Giấy.

 Chủ tịch UBND TP yêu cầu cơ quan chức năng quận Cầu Giấy khẩn trương điều tra, sớm có kết luận và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, đồng thời có giải pháp hỗ trợ cháu bé hiệu quả. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm chủ trì phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Ba Đình, Cầu Giấy và Trung tâm Công tác Xã hội TP thường xuyên nắm tình hình, nhu cầu của cháu Khánh và gia đình để xây dựng kế hoạch can thiệp, hỗ trợ cháu Khánh một cách kịp thời, hiệu quả nhất. 

Trước đó, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đến gia đình ông bà ngoại cháu Khánh thăm hỏi động viên cháu và gia đình, nắm bắt nhu cầu của gia đình trong việc trợ giúp cháu. Hiện gia đình chưa có nhu cầu cụ thể gì đối với cháu Khánh (kể cả về trị liệu tâm lý cũng như nhu cầu khác). (N.Y.)


          

Xử lý nghiêm vụ bạo hành ở nhóm Mẫu giáo Mầm Xanh

Sở LĐTBXH – TP Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 31490/SLĐTBXH-TE gửi tới Công an quận 12, Toà án và Viện Kiểm sát nhân dân quận 12 đề nghị xử lý thật nghiêm các đối tượng đã có hành vi bạo hành dã man với trẻ của Mẫu giáo Mầm Xanh.

Công văn nêu rõ: Do sự việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần, sức khoẻ của nạn nhân, cần sớm điều tra, truy tố, nhanh chóng đưa ra xét xử công khai đối tượng Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở Mầm Xanh) và những đối tượng có liên quan với mức án tương xứng để răn đe, giáo dục, phòng ngừa trong cộng đồng. (H.N)

Điều tra vụ bé gái nghi bị bạo hành khi gửi ở nhà trẻ tư nhân

Ngày 9-12, Trung tá Nguyễn Xuân Di, Trưởng Công an phường Kim Long (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đơn vị vừa chuyển hồ sơ sang Công an TP Huế điều tra làm rõ vụ việc bé gái N.N.B.V. (SN 2016) được gia đình trình báo nghi bị bạo hành khi gửi ở nhà giữ trẻ tư nhân.

Trước đó, sáng 6-12, chị H.T.T.B. (28 tuổi, trú kiệt 179, đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế) đưa cháu V. đến cơ sở giữ trẻ tư nhân đóng tại số 13/50 Phạm Thị Liên, phường Kim Long để gửi như thường lệ. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, khi đón cháu V. về nhà, chị B. thấy cháu có biểu hiện lạ khi thường xuyên khóc thét và sợ hãi. Qua kiểm tra cơ thể con, chị B. bàng hoàng phát hiện cháu V. có nhiều vết bầm tím ở đùi và lưng. 

Nghi cháu V. bị bạo hành nên gia đình chị B. đã gửi đơn đến Cơ quan Công an trình báo sự việc. Nhận được tin báo, Công an phường Kim Long đã mời bà Hoàng Thị Thu (50 tuổi, chủ cơ sở giữ trẻ tư nhân) để làm rõ vụ việc. Bà Thu lý giải vết bầm tím trên đùi và lưng cháu V. là do cháu gãi ngứa dẫn đến bầm tím (?). Được biết, cơ sở giữ trẻ của bà Thu hoạt động khoảng 10 năm nay, mỗi ngày cơ sở này nhận trông giữ 12 trẻ. Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ. (A. Khoa)

H.Nga
.
.
.