Chuyện người quản lý

Tìm chế tài “trị” nạn né cung cấp thông tin cho báo chí

Thứ Hai, 29/02/2016, 11:19
Thành lập tổ chức trọng tài về thông tin quốc gia để “trị” nạn né cung cấp thông tin cho báo chí là thông điệp chính được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học “Quyền tiếp cận thông tin & quyền tự do báo chí của công dân” do Trung tâm Giáo dục cộng đồng (MEC) vừa tổ chức tại Hà Nội nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí sửa đổi và Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin trước khi hai dự luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 3-2016.


Thực hiện quy định tại Hiến pháp 2013, Chính phủ đang soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Dự thảo luật này đã được đưa ra xin lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2015, dự kiến sẽ thông qua vào tháng 3 năm 2016. Dự thảo luật quy định về trình tự, thủ tục để người dân tiếp cận các thông tin do Nhà nước tạo ra và nắm giữ.

Tương tự như việc thực hiện Luật Báo chí, hiện tượng các cơ quan Nhà nước chậm công khai thông tin, trả lời các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của MEC năm 2013 và 2015, tỷ lệ các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan Nhà nước trả lời có tăng từ 25% lên 30%, tuy nhiên chất lượng trả lời, thời gian trả lời vẫn còn hạn chế. Vì thế một đạo luật muốn khả thi cần phải có cơ chế, đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện rõ ràng, nhất là ranh giới giữa thông tin bí mật và thông tin công khai tại Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng. Điều quan trọng nhất là cần phải có trọng tài có thẩm quyền tài phán về hành vi cung cấp/giấu kín thông tin của cán bộ Nhà nước khi công dân yêu cầu.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để có thể đảm bảo các quyền hiến định về thông tin của người dân, hạn chế tình trạng “né” cung cấp thông tin cho báo chí, trước hết, cần xây dựng một tổ chức trọng tài về thông tin quốc gia - đó là hội đồng các chuyên gia độc lập, có hiểu biết sâu rộng và uy tín cao trong lĩnh vực báo chí - thông tin, pháp luật và các lĩnh vực liên quan, do Quốc hội quản lý theo hình thức nhiệm kỳ, hoạt động bằng ngân sách nhà nước.

Các thành viên tổ chức trọng tài về thông tin quốc gia sẽ là những người chịu trách nhiệm thụ lý các khiếu kiện, tố cáo của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo thủ tục tố tụng dân sự nhằm mang tới sự công khai, minh bạch thông tin cho công dân. 

Phương án này phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng tương đồng với trên 100 luật về thông tin của trên 100 quốc gia, nhất là đang phát huy hiệu quả tại Ấn Độ - một quốc gia đang phát triển có điều kiện về chính trị, dân cư, thu nhập tương tự Việt Nam. 

Phương án này có thể chỉ mất thời gian cho việc xây dựng mô hình trọng tài về thông tin, xong có thể tích hợp cho mô hình cơ quan xử lý về tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân trong Luật Báo chí.

Huyền Thanh
.
.
.