Vấn đề kiểm soát thông tin mạng “vắng bóng” trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi

Thứ Sáu, 19/02/2016, 08:15
Dự án Luật Báo chí sửa đổi trình phiên họp Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội sáng 18-2 không quy định về mạng xã hội. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đào Trọng Thi cho rằng, các trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, không quản lý các trang mạng xã hội này mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp thì không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.

Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo luật, trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh lộ trình quy hoạch để báo chí không cần nhiều mà cần tinh. Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí do Nhà nước thành lập, quản lý nên không đưa truyền thông xã hội vào luật. Bộ trưởng lý giải, mặc dù truyền thông xã hội đang phát triển nhanh chóng và được tạo điều kiện nhưng Luật Báo chí không điều chỉnh mà đã có Nghị định 72 chế tài chặt chẽ. “Nếu đưa trang mạng xã hội vào luật thì ta lại công nhận blog cá nhân là báo chí. Sau này nghiên cứu đưa Nghị định lên thành luật để quản lý truyền thông ngoài báo chí” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, xu hướng tra cứu, xem thông tin trên mạng phổ biến đòi hỏi có sự quản lý cụ thể hơn. Việc quản lý, kiểm soát vấn đề thông tin trên mạng gần như “vắng bóng” trong Luật Báo chí, không đáp ứng được thực tiễn hiện nay. Ông cho rằng, trước mắt cần có quy định điều chỉnh, quản lý các trang mạng “bên trong”, tức trang đặt máy chủ ở Việt Nam. Nếu để trống mảng này thì quy định như dự thảo Luật chỉ đáp ứng được 40%.

Nêu yêu cầu dự thảo luật phải điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích, quyền tự do của con người, của công dân theo Hiến pháp chỉ có thể hạn chế bằng quy định trong luật chứ không thể để trong nghị định. Trong khi thông tin mạng tác động đến xã hội rất lớn, dự thảo luật không thể bỏ qua.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quản lý không có nghĩa là siết lại không cho làm mà phải tính để đảm bảo dân chủ, quyền tự do, trừ những vấn đề pháp luật hạn chế vì liên quan lợi ích của nhân dân, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo theo hướng phát triển đến đâu phải quản lý được đến đó. Nếu còn nhiều điểm không xử lý được thỏa đáng thì có thể phải lùi, chưa thông qua dự luật.

M.Đ
.
.
.