Tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác
- Thu giữ gần 1 kg sừng động vật là sừng tê giác trắng
- Sừng tê giác 4,5 tỷ giấu trong hộp sữa vận chuyển về Việt Nam
- Phát động sáng kiến không tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam
Theo đó, địa điểm tiến hành việc tiêu hủy dự kiến sẽ thực hiện tại huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội bằng phương pháp nghiền nhỏ, đốt trong lò đốt (cháy thành tro 100%) và chôn lấp toàn bộ tro của các mẫu vật tiêu hủy.
Được biết, việc tiêu hủy mẫu vật ngà voi và sừng tê giác đã được nhiều quốc gia thực hiện trong những năm gần đây như Kenya, Hoa Kỳ, Pháp, Italy, Cộng hòa Séc, Philippines, Singapore... Việc tiến hành tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác nêu trên là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế tuyên chiến với tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và thể hiện người Việt Nam không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp.
Thành phần tham dự và chứng kiến tiêu hủy gồm đại diện các bộ, ngành có liên quan, Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội, một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), cùng nhiều tổ chức phi chính phủ và một số quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
Sau sự kiện tiêu hủy này, vào ngày 17-11, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã (IWT). Đây là Hội nghị lần thứ 3 (hội nghị lần thứ nhất vào năm 2014 tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh; Hội nghị lần thứ 2 vào năm 2015 tại Kasane, Cộng hòa Botswana).
Hội nghị IWT dự kiến có sự tham gia của các phái đoàn cấp cao của 54 quốc gia, trong đó có một số nguyên thủ, Hoàng tử Anh William; 10 tổ chức quốc tế, trong đó có Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thư ký CITES; một số tổ chức phi chính phủ, cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị lần này, các bên sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã. Dự thảo tuyên bố xác định buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật nguy cấp trái pháp luật là hành vi phạm tội; thống nhất nhận thức và phối hợp hành động chung; các giải pháp hài hòa hóa thể chế, pháp luật; tăng cường thực thi luật và chia sẻ thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực; đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên, phát triển sinh kế bền vững.