Ngư dân bắc miền Trung:

Tìm ra thủ phạm làm cá chết: Ngư dân chỉ mong biển sạch trở lại

Thứ Bảy, 02/07/2016, 08:51
Sau gần 3 tháng gồng mình chống chọi với sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân miền Trung đã thở phào nhẹ nhõm khi biết nguyên nhân cá chết và đặc biệt hơn khi nhận được sự cam kết khắc phục hậu quả của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa), cũng như những định hướng bước đi tiếp theo của các bộ, ngành, địa phương giúp đỡ, ủng hộ ngư dân ổn định đời sống trong thời gian tới.


Cần môi trường biển sạch

Trong số 4 tỉnh bị thiệt hại trong sự cố môi trường biển vừa qua, Quảng Bình là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Với bờ biển dài trên 110km, Quảng Bình có đến 18 xã ven biển với hơn 60.000 người có cuộc sống liên quan đến biển. Quảng Bình có hơn 4.000 tàu khai thác hải sản; trong đó có gần 1.000 tàu đánh bắt khơi xa. 

Từ bao đời nay, biển là điểm tựa đem lại cuộc sống ấm no cho người dân Quảng Bình. Nhưng từ khi gặp sự cố môi trường biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt nên không ít người dân nơi đây cũng rơi vào thảm cảnh điêu đứng. Có hộ dân vừa vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng để đóng tàu đánh bắt xa khơi, tàu chuẩn bị khánh thành thì gặp mùa “biển chết” nên con tàu vẫn phải nằm phơi sương, còn ngư dân oằn mình ôm món nợ.

Ngư dân chợ Đồng Hới, Quảng Bình phản ánh với phóng viên Báo CAND về việc cá đánh bắt về không bán được, hoặc bán rất rớt giá.

Ngư dân Trần Đình Nam, xã Bảo Ninh, Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cho biết, “Sau khi nghe công bố nguyên nhân cá chết, và biết Formosa có đền bù và đưa ra các cam kết giúp đỡ ngư dân, cả vùng biển nơi tui ở đều chong đèn suốt đêm, nhiều mâm rượu được bày ra để ăn mừng. Mừng không phải vì được đền bù, nói thật những thiệt hại của ngư dân như tui đây thì biết đền răng là đủ, là thiếu, mừng nhất là biết nguyên nhân ai gây ra vụ việc, mừng nữa là các bộ, ngành của Trung ương sẽ có hướng giúp đỡ ngư dân, tìm cách trả lại môi trường biển trong sạch là cách giúp đỡ ngư dân như tụi tui hiệu quả nhất”. 

Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển ở Quảng Bình không chỉ riêng với ngư dân mà sâu rộng trên tất cả các mặt của cuộc sống. Một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng lớn còn có du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình. Do nước biển ô nhiễm, cá biển chết hàng loạt nên mặc dù vào mùa du lịch nhưng lượng khách du lịch đến Quảng Bình giảm mạnh, đặc biệt là du lịch biển. Nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển trống huơ, trống hoắc thiếu vắng khách. 

Ngư dân Nguyễn Nam Hoàng, ở xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ: “Giờ đã tìm được thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, mong rằng Chính phủ giúp đỡ ngư dân được nhận đền bù thoả đáng, và chỉ đạo để làm trong sạch biển trở lại, trả lại ngư trường truyền thống bao đời cho ngư dân”. 

Trong quá trình tìm tư liệu viết bài, rất nhiều ngư dân phản ánh với chúng tôi: Trước đây đi biển về thủy hải sản đánh bắt được từng nào bán hết từng đó, nay tàu cập bến mà lòng buồn rười rượi vì rất khó bán, có bán được thì giá cũng chỉ bằng 1/3 trước khi cá biển chết. Vì vậy, ngoài việc đền bù, giúp đỡ ngư dân, các ngành, địa phương cần có giải pháp giúp đỡ ngư dân bao tiêu sản phẩm đánh bắt. 

Cách bao tiêu tốt nhất là sớm làm rõ, trả lời minh bạch cho nhân dân biết, cá còn bị nhiễm độc không, để nhân dân tiêu thụ. Bởi khi còn nghi ngờ, dân không dám sử dụng thủy hải sản, không tắm biển thì đồng nghĩa với việc biển chết, khách du lịch vắng và chẳng ai mặn mà dong tàu ra biển đánh bắt.

Tiếp tục ủng hộ người dân ổn định cuộc sống

Ông Nguyễn Hữu Hoài-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ, sự cố môi trường biển ngoài việc gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân, đồng thời đã ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác của tỉnh. Về kinh tế, thống kê sơ bộ đã thiệt hại 4.000 tỉ và dự kiến vấn đề thiệt hại sẽ còn kéo dài đến những năm tiếp theo. 

Lãnh đạo tỉnh luôn sát cánh với người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ, của Trung ương trong những lúc khó khăn để rồi cùng với nhân dân vượt qua khó khăn. Tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị nhiều giải pháp để tiếp tục giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, triển khai nhanh chóng, đầy đủ các biện pháp để giúp đỡ, bảo đảm cuộc sống người dân. 

Ngay trong chiều 30-6, sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết ở biển miền Trung, tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định 1814 thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường. 

Hội đồng gồm có 18 thành viên và ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giữ vai trò Chủ tịch hội đồng, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó chủ tịch hội đồng. Ngay sau khi thành lập, hội đồng này xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng do cá chết; đồng thời đề xuất các giải pháp để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với thực tế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh đó, hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố để đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch để có hướng giúp đỡ, ủng hộ, bồi thường thiệt hại phần nào cho ngư dân. Việc vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang được nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do cá chết hết sức ủng hộ, tin tưởng. 

Ngư dân Trần Hoàng Thắng ở xã Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình phấn khởi nói “Ngư dân chúng tôi đọc báo, xem ti vi thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành đề xuất hỗ trợ lãi xuất cho người dân cụ thể, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho người dân, xử lý môi trường sản xuất, có chính sách về việc hỗ trợ việc làm cho người dân các địa phương, vùng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường vừa qua nên chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi tin tưởng”. 

Nhiều ngư dân bày tỏ, mong muốn Chính phủ tiếp tục có sự giúp đỡ, hỗ trợ cho các xã vùng ven biển để đảm bảo đời sống lâu dài cho người dân. Trước mắt là để khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển gây ra, lâu dài là để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Hàng ngàn hộ dân Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, sự việc cá biển chết do biển nhiễm độc đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt hải sản của gần 2.500 tàu thuyền lắp máy và không lắp máy hoạt động ở tuyến bờ và tuyến lộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác hải sản của 5.794 hộ dân với gần 30.000 nhân khẩu ở các xã bãi ngang, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để khắc phục những khó khăn đối với ngư dân đánh bắt vùng biển gần bờ sau hiện tượng hải sản chết, đơn vị đã xây dựng dự thảo đề án “Khôi phục và phát triển sinh kế cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ và nuôi cá lồng vùng cửa biển”. 

Đề án này giúp ngư dân gần bờ sớm chuyển đổi nghề nghiệp sang đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản; hoặc kinh doanh dịch vụ nếu có điều kiện, qua đó góp phần hỗ trợ nâng cao sinh kế, ổn định cuộc sống về lâu dài cho bà con… (Anh Khoa)

Dương Sông Lam
.
.
.