Thực tiễn sống động tại Quảng Ninh - “quán quân” cải cách hành chính - Bài cuối

Thứ Sáu, 17/08/2018, 08:56
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong CCHC, rà soát, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy biên chế đã qua hơn 3 năm triển khai, cho thấy sự chuyển biến tích cực tại địa phương này.


Những dấu ấn và kinh nghiệm tiên phong, mở đường

Chính những thành công, bài học và kinh nghiệm tại Quảng Ninh là một trong những cơ sở thực tiễn điển hình để Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong CCHC, rà soát, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy biên chế đã qua hơn 3 năm triển khai, cho thấy sự chuyển biến tích cực tại địa phương này. 

Chính những thành công, bài học và kinh nghiệm tại Quảng Ninh là một trong những cơ sở thực tiễn điển hình để Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Dấu ấn tiên phong và quy tụ sức mạnh

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nêu rõ: 

Quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, cấp ủy địa phương lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp. 

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành. 

Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp… 

Hiện nhiều tỉnh thành còn tiếp cận vấn đề này với những nhận thức mới mẻ. Tuy nhiên, những nội dung này đã được kiểm chứng thực tiễn sống động tại Quảng Ninh. Với tính chất tiên phong, mở đường đòi hỏi những người chèo lái thực sự sáng tạo, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm. Những thành công của Quảng Ninh hôm nay thể hiện rõ nét dấu ấn của những vị lãnh đạo tỉnh đương nhiệm và tiền bối đã biết phát huy sức mạnh, quy tụ lòng dân.

Còn nhớ, giữa năm 2014, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là hội nghị có quy mô lớn với rất nhiều kỳ vọng. 

Tại hội nghị này, trước hàng trăm quan khách trong nước và quốc tế, trước các nhà đầu tư giàu kinh tế và kinh nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nhiệm kỳ 2011-2016) chia sẻ: Nằm ở địa đầu Tổ quốc, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù của Việt Nam nên đã từng được ví như là “một Việt Nam thu nhỏ”. 

Những giá trị này đã tạo nên lợi thế so sánh của vùng đất và con người Quảng Ninh trên tương quan quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, “chúng tôi cũng nhận thức được đang phải đối mặt với hai mâu thuẫn xung đột: Giữa việc giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn”. 

Bên cạnh đó, là hai thách thức lớn: Thách thức vừa phải phát triển kinh tế nhanh, mạnh vừa phải góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Thách thức giữa việc giải quyết vấn đề môi trường sống, phát triển bền vững trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh. 

Ông Phạm Minh Chính thừa nhận, trước những cơ hội, thách thức và hạn chế yếu kém đan xen nhau, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. 

Để đạt được kết quả đó, điều có ý nghĩa then chốt là: Tập trung thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế"; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy mọi nguồn lực trong cộng đồng xã hội; tăng cường đối thoại, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Nói về thực tiễn này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, khi chưa có Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về vấn đề này, Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện Đề án 25 - Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, đã rà soát và sắp xếp lại bộ máy chính trị, đơn vị công, nghiên cứu các vị trí công tác một cách hợp lý. Vì là địa phương đi đầu nên lúc đó Quảng Ninh vừa làm vừa xin ý kiến của Trung ương.

Ngay sau Nghị quyết số 18, 19, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII chính thức được ban hành, Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định các chủ trương của Trung ương đặt ra trong Nghị quyết, là nơi có đủ điều kiện để thực hiện hiệu quả. Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21 để cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết một cách sâu hơn, rộng hơn và chủ động hơn. 

Bí thư Nguyễn Văn Đọc khẳng định, mục tiêu lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết là hướng tới làm tinh giản bộ máy để tập trung được đầu mối, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tránh hiện tượng đông nhưng không rõ trách nhiệm. 

Việc sắp xếp lại bộ máy góp phần nâng cao trách nhiệm vai trò của cơ quan với công việc, hiệu quả phân bổ nguồn lực tính chủ động của đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Chuyển dần từ bao cấp sang hướng dịch vụ, đòi hỏi cán bộ công chức, viên chức thay đổi thái độ, không còn biểu hiện ban phát, thay vào đó là tinh thần thái độ phục vụ nhân dân có trách nhiệm.

Những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn

Từ thực tiễn tinh gọn bộ máy và CCHC tại Quảng Ninh, nhiều kinh nghiệm được rút ra nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả và cũng là kinh nghiệm để những địa phương đi sau nghiên cứu. Đó là bài học xuất phát từ thực tiễn. 

Tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát một cách tổng thể và hết sức kỹ lưỡng tổ chức bộ máy của tất cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã, các sở ngành cơ quan, đơn vị tổ chức; đánh giá quá trình hoạt động, triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ…

Thứ hai, phải có quyết tâm chính trị cao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy không phải là đơn giản mà kéo theo nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi cán bộ sau khi sắp xếp... Vì vậy, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tổ chức phải hết sức quyết liệt, dám làm và biết cách làm và tạo động lực để cơ quan mới hoạt động tốt hơn. 

Điểm nữa, phải tạo được sự đồng thuận, trước hết phải đồng thuận về chủ trương từ lãnh đạo đến nhân viên, phải phân tích một cách thấu đáo về hiệu quả đạt được khi thay đổi tổ chức, những lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, người dân. 

Phải kiên trì, bền bỉ thuyết phục bởi mô hình hợp nhất chưa có trong tiền lệ, không có khuôn mẫu, không có hướng dẫn thực hiện, thậm chí mô hình mới có thể làm mất đi tổ chức mà ngành dọc đang chỉ đạo. Phải có lộ trình thực hiện, nghiên cứu thời điểm khi có đủ điều kiện hợp nhất.

Về công tác cán bộ, trước khi thực hiện hợp nhất phải thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu. Tuy nhiên, việc này không thể nói là làm được ngay, phải có lộ trình và rất thận trọng về công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp, điều chuyển một cách hợp lý để phát huy năng lực cán bộ. 

Nếu có cán bộ tự nguyện thôi giữ chức vụ thì phải có cơ chế chính sách chính đáng; có thể lùi thời gian khi có cán bộ sắp nghỉ chế độ hoặc khi có một ví trí nghỉ chế độ hoặc có quy hoạch, đủ điều kiện sắp xếp, luân chuyển ở vị trí khác tỉnh không bố trí người mới mà thực hiện kiêm nhiệm. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, không có một sự xáo trộn lớn có ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy... 

Sau sắp xếp cần xây dựng quy chế làm việc. Bộ máy mới, chưa có tiền lệ phải chú trọng xây dựng quy chế hoạt động để đảm bảo vận hành một cách đồng bộ tránh gộp lại một cách cơ học, phân công nhệm vụ theo hướng: một người thực hiện nhiều nhiệm vụ; một nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. 

Đồng thời tạo sự khích lệ lan tỏa. Kinh nghiệm của Quảng Ninh, nên chọn địa phương có điều kiện thực hiện tốt nhất, đồng hành cùng hướng dẫn tháo gỡ, rút kinh nghiệm, tổ chức hội nghị nghe báo cáo cách làm cũng là cách kích động tốt nhất. 

Phải có sự đột phá một cách mạnh dạn. Khi thấy vấn đề đã chín muồi, đã có thực tế kiểm nghiệm, đã có lộ trình triển khai hiệu quả, đã có sự chuẩn bị nhân sự thì phải có quan điểm chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát, nhanh, dứt điểm, không chần chừ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, thuận lợi lớn nhất của Quảng Ninh trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XII là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, viên chức, đảng viên thông qua việc thực hiện Đề án 25 và Nghị quyết số 19 về “đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. 

Các nội dung Nghị quyết của Trung ương 6 Khóa XII có nhiều vấn đề được nâng lên tầm chủ trương chung xuất phát từ tổng kết mô hình thực tế triển khai ở Quảng Ninh thời gian qua. Đây là một sự khích lệ, cũng là thuận lợi để các cấp, các ngành tiếp nhận, triển khai nội dung Nghị quyết. 

Vì vậy, lần này tỉnh triển khai các nội dung Nghị quyết mà không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Đối với những vấn đề chưa có quy định, chưa có tiền lệ, Trung ương cũng chưa có hướng dẫn, “chúng tôi mạnh dạn thực hiện và tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để làm rõ”.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng cho rằng, việc nhất thể hóa gắn với kiểm soát quyền lực là vấn đề đã được tỉnh đặt ra và giám sát. Phải có sự chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. 

Ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực bằng cách phân định thẩm quyền giữa các cấp theo hướng tăng cường phân cấp; yêu cầu xây dựng quy chế mới trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng chức danh, phân cấp một số quyền của đồng chí bí thư cho phó bí thư, của đồng chí chủ tịch UBND cho phó chủ tịch UBND. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới… 

Từ năm 1994 làm thí điểm ở Cô Tô, 2002 ở Hạ Long đã cho thấy hiệu quả tốt.

NHÓM PV
.
.
.