Bếp ăn ở các Khu công nghiệp Hải Phòng:

Thực phẩm sạch lên hồ sơ, thực phẩm bẩn vào bếp

Thứ Năm, 13/09/2018, 07:35
Thành phố Hải Phòng hiện có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất lớn như Nomura, Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền, Đồ Sơn, Đình Vũ, VSIP… Số công nhân lao động tại các KCN lên tới hàng chục vạn người, kèm theo là 264 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống thuộc các loại hình, trong đó đa phần là bếp ăn tập thể. Hiện nay các bếp ăn tập thể trong KCN cung cấp khoảng gần 100.000 suất ăn/ngày.


Nhiều vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể

Trong mấy năm vừa qua, tại một số bếp ăn tập thể ở các KCN trên địa bàn TP Hải Phòng đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, điển hình như: Ngày 30-5-2017, tại Công ty LG Display (trên địa bàn huyện An Dương) có 37 công nhân bị ngộ độc tập thể. 

Tất cả các công nhân này trước đó có ăn đêm tại bếp ăn tập thể của công ty. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết, bếp ăn của công ty này lấy thực phẩm từ nhiều đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự việc, bếp ăn này vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

Ngày 28-12-2017, gần 500 công nhân Công ty Regina Miracle Việt Nam đóng trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên bị ngộ độc thực phẩm tập thể. Công ty Bảo Châu là đơn vị cung cấp thực phẩm và chịu trách nhiệm nấu ăn cho công nhân tại bếp ăn của công ty này.

Công nhân cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc thực phẩm.

Bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Bếp ăn của Công ty Regina Miracle International Việt Nam chưa được Sở Y tế Hải Phòng cấp phép hoạt động. Số công nhân bị ngộ độc do trong thức ăn bị nhiễm khuẩn cầu cao gấp nhiều lần cho phép.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn của công nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng, công tác giám sát đầu vào thực phẩm nhiều hạn chế… dẫn đến mức độ an toàn cho bữa ăn công nhân thấp.

Kết quả khảo sát thực tế cũng cho thấy, không ít chủ cơ sở bếp ăn mua thực phẩm ở ngoài chợ không rõ nguồn gốc về chế biến. Đối với những cơ sở cơm hộp quy mô nhỏ, việc nhập nguyên liệu thực phẩm còn bát nháo hơn. Nhiều cơ sở bếp ăn không quan tâm hàng hóa đến từ đâu, cứ miễn là rẻ, dễ chế biến là mua...

Ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) TP Hải Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thành lập các đoàn, kiểm tra trên 220 cơ sở có bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh thức ăn sẵn... trong và ngoài các KCN. 

Xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); vệ sinh môi trường; bảo quản thực phẩm chưa đúng; không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên; không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại...; tạm đình chỉ hoạt động một số cơ sở vi phạm.

Qua kiểm tra cho thấy còn những chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư bảo đảm VSATTP. Một số doanh nghiệp liên kết với các nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống, nấu tại chỗ, nhưng chưa chủ động khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất, bếp ăn để xuống cấp...

“Treo đầu dê, bán thịt chó” vì thiếu giám sát

Thực trạng trên cho thấy, vấn đề VSATTP nói chung tại các bếp ăn ở các KCN, Khu chế xuất và cụm công nghiệp nói riêng trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn đang là vấn đề nóng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan chức năng thì nguy cơ ngộ độc tập thể là khó tránh khỏi.

Bởi vậy,  Sở Y tế, Liên đoàn Lao động TP và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã xây dựng và ký kết chương trình phối hợp đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn ca cho người lao động tại các KCN giai đoạn 2017-2020.

Bà Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, việc ký cam kết về ATTP bữa ăn cho người lao động tại các KCN giữa 3 đơn vị nêu trên đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, quản lý chất lượng bữa ăn cho người lao động, là cầu nối hỗ trợ cung cấp thực phẩm an toàn từ nhà sản xuất tới bếp ăn... Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn khe hở để len lỏi vào các bếp ăn. 

Có những doanh nghiệp nhỏ lẻ liên kết với doanh nghiệp lớn về sản xuất thực phẩm sạch nhưng chỉ là để “làm đẹp” hồ sơ, nhưng sau đó lại nhập thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài để cung cấp cho các bếp ăn tập thể, thậm chí có cả những thực phẩm tồn, ế tại các chợ... 

Tình trạng này cũng xuất phát một phần từ giá thành suất ăn của công nhân nay còn thấp. Ông Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về VSATTP, quy trình điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tới chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp song song với kiểm tra, xử lý vi phạm.

Để thực phẩm bẩn không có “cửa” vào các bếp ăn tập thể, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra thực chất, truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm, xử phạt nghiêm khắc để tránh tình trạng các nhà cung cấp thực phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”. 

Bên cạnh đó, cần thiết phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn với các doanh nghiệp, bếp ăn trong KCN để việc đảm bảo VSATTP mang tính ổn định, lâu dài.

Văn Thịnh
.
.
.