Thiết bị thay thế loa phường chưa phù hợp thực tế

Thứ Bảy, 13/10/2018, 08:36
Việc bỏ hay giữ loa phường còn chưa ngã ngũ thì tháng 10 năm ngoái, một thiết bị được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đưa vào thử nghiệm để thay thế loa phường, đó là thiết bị thông minh M-Gateway được lắp thí điểm tại 200 hộ dân thuộc bốn phường của Thủ đô.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thiết bị M-Gateway này được thí điểm tại bốn phường là Kim Mã, Thành Công, Tràng Tiền và Yên Hoà. Thiết bị này như một cục phát wifi nhưng có chức năng như một chiếc loa phường mini, truyền tải bản tin của phường tới từng hộ dân  và còn có thể kết nối để thanh toán các loại hoá đơn điện, nước, Internet rồi cả mua thẻ điện thoại... 

Với nhiều người dân, thì M-Gateway quả thực rất tiện lợi, nhiều người cho rằng nó hoàn toàn có thể thay thế loa phường cũ kỹ, cứ đến giờ là oang oang không cần biết ai muốn nghe ai không!

Thiết bị M-Gateway được lắp đặt thí điểm thay thế loa phường chưa phát huy được hiệu quả.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng ủng hộ 100% chiếc "loa phường mini" này bởi cho đến nay nó còn nhiều điểm bất tiện, chưa thực sự thoả mãn người sử dụng và tháng 5 năm 2018, Tập đoàn Viettel đã thu hồi các thiết bị này để nghiên cứu, hoàn thiện thêm và chỉ còn MobiFone vẫn tiếp tục lắp đặt. 

Phóng viên CAND đã có buổi khảo sát ý kiến của người dân ở hai phường Kim Mã và Thành Công về chiếc "loa phường mini" này.

Chị Phạm Minh Anh, trú tại số nhà 38 phố Kim Mã cho biết, M-Gateway có cái tiện lợi vì nó nhỏ gọn, sử dụng dễ dàng, không tốn điện và thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của chính quyền tới người dân. Ngày xưa, loa phường mở đúng giờ sáng và chiều nhưng mà nhiều khi chị cũng không để ý, có khi bỏ qua những thông báo của phường về họp hành, rồi các thủ tục... 

Nhưng kể từ khi có thiết bị này, hàng ngày chị đều cập nhật mọi bản tin của phường. Tuy nhiên, theo chị thì thiết bị này vẫn còn nhiều điểm chưa làm chị được vừa ý như, không có nút tăng giảm âm thanh, không có nút bật tắt trong trường hợp không sử dụng để tiết kiệm điện; rồi như nhà chị đặt thiết bị ở tầng 1 thì chỉ nghe được ở khu vực đó, lên đến tầng 2 là không nghe được...

Đề cập đến các tính năng khác của M-Gateway như thanh toán hoá đơn... chị Minh Anh cho biết từ ngày lắp đặt đến nay, nhà chị chưa một lần sử dụng tính năng này và theo chị biết thì hàng xóm của chị cũng vậy. Các hoạt động như thanh toán, mua thẻ điện thoại đều làm qua điện thoại rất nhanh gọn mà không phải kết nối thêm thiết bị...

Về việc nên hay không nên sử dụng thiết bị này để thay thế loa phường, chị Minh Anh chia sẻ: "Tôi không thấy phiền toái về chiếc loa phường, đó không những là phương tiện truyền tải thông tin của chính quyền tới người dân mà loa phường đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Hà Nội, không phải nhà nào có M-Gateway cũng sử dụng nên việc giữ lại loa phường là cần thiết".

Còn anh Nguyễn Nam Hải (33 tuổi) trú tại khu tập thể A2 Thành Công, phường Thành Công cho biết: "Nói tiện thì cũng tiện mà bất tiện cũng có, thứ nhất là phải để cố định, thứ hai là điều khiển rắc rối, thứ ba là nếu mất tiền thì nhà tôi sẽ không bao giờ dùng. Nếu mất tiền thì thà nghe loa phường còn hơn hoặc nếu không có loa phường thì người dân cũng không thiếu cách để tiếp cận thông tin... Bây giờ phương tiện thông tin đại chúng quá nhiều, quá dễ dàng để tiếp cận nên việc trả tiền cho một thiết bị như thế là không cần thiết".

Theo bà Nguyễn Thị Kim Mỵ, Trung tâm Công nghệ thông tin Mobifone cho biết: Thiết bị M-Gateway mà đơn vị lắp đặt thí điểm ở hai phường Thành Công và Yên Hoà được Mobifone sản xuất, lắp ráp và trong đó có linh kiện được nhập từ các nước G7. 

Thiết bị này hoàn toàn ổn định, tiện dụng và theo kết quả khảo sát cuối năm ngoái thì đa số người dân hào hứng ủng hộ việc lắp đặt và sử dụng thiết bị này!

Có thể thấy rằng, thiết bị M-Gateway mặc dù đã thể hiện được sự tiện dụng nhưng không tránh khỏi những điểm bất lợi, mặc dù thời gian qua mới chỉ là thí điểm và vẫn sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nhưng sẽ xảy ra tình trạng "ế" nếu người dân phải bỏ tiền ra mua, hoặc có mua thì không phải nhà nào cũng sử dụng, nếu có chắc chỉ được một thời gian ngắn.

Thực tế cho thấy, loa phường vẫn có hiệu quả sử dụng cao, nhưng vấn đề là sử dụng loa phường vào khung giờ nào, với mức âm lượng thế nào cho phù hợp thì các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để giải quyết vấn đề này. 

Cho tới hiện tại, vẫn có hai luồng quan điểm trái ngược về loa phường, một bên ủng hộ giữ lại, bên kia thì cho rằng nên bỏ nhưng cần xem xét việc bỏ hay giữ trên cơ sở nhu cầu và hiệu quả sử dụng chứ không phải theo sở thích.

Phong Sơn
.
.
.