Thị trường trong nước “khát” thực phẩm sạch

Thứ Hai, 12/11/2018, 08:16
Tại Việt Nam, trong thời gian qua ứng dụng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào nông nghiệp đã có những điểm sáng. Một số DN, hợp tác xã, người dân ứng dụng công nghệ thông minh trong các khâu, công đoạn khác nhau của ngành nông nghiệp và mang lại nhiều kết quả tích cực. 


Một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thuỷ canh hồi lưu, nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước, môi trường sống được kiểm soát bởi hệ thống máy tính và các thiết bị IOT nhằm đảm bảo môi trường tốt cho cây, ứng dụng công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá; quy trình sản xuất nông sản khép kín, tự động, hiện đại.

Tuy nhiên, sự tham gia ứng dụng CMCN 4.0 vào nông nghiệp của Việt Nam chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào một số khâu, công đoạn và còn manh mún, tự phát. Công nghệ sản xuất nông nghiệp ở tất cả các cấp độ từ đơn giản, thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào thời tiết và kinh nghiệm chiếm tỷ lệ lớn. 

Tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu liên kết giữa các chủ thể, thiếu vốn đầu tư, nguồn lực tài chính và năng lực hạn chế. PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, nếu so sánh với Nhật Bản, Israel thì chúng ta có tiềm năng hơn rất nhiều. 

Dư địa phát triển nông nghiệp còn rất lớn, tuy nhiên chúng ta chưa tận dụng được nên chúng ta cần phải nhân rộng ra. Dư địa xuất khẩu nông sản cũng rất lớn tuy nhiên vấn đề ở chỗ hàng chúng ta chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu.

“Thị trường trong nước 96 triệu dân đang khao khát thực phẩm sạch, tuy nhiên người dân vẫn chưa biết đâu là thực phẩm sạch nên đây cũng là một nguồn thị trường rất lớn để chúng ta phát triển”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam nắm bắt công nghệ mới. Nhưng “không thể theo kiểu “dàn hàng ngang”, “chạy theo phong trào” mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp, sản phẩm phù hợp gắn với mỗi vùng miền và thị trường. Thực hiện ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 ở các nơi có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống.

PGS. TS Đinh Dũng cũng kiến nghị, Nhà nước với vai trò bà đỡ cần xây dựng chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho các DN, HTX, đưa khoa học, công nghệ hiện đại vào nông nghiệp. Đối với các viện nghiên cứu, các cơ sở sự nghiệp khoa học công lập, ngoài công lập phục vụ nông nghiệp cần được hưởng chính sách ưu đãi đồng thời phải đổi mới cơ chế đặt hàng. 

DN và HTX, các tổ chức liên kết của người nông dân khi ứng dụng KHCN được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản; được giảm thuế thu nhập DN, được khuyến nông, khuyến ngư cũng như được cung cấp miễn phí các thông tin về sản phẩm, về thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.