Thị trường trong nước đang khao khát thực phẩm sạch

Thứ Sáu, 09/11/2018, 15:56

Tại hội thảo “Tiếp cận Nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 9-11 tại Hà Nội, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ khẳng định, dư địa phát triển nông nghiệp còn rất lớn trong đó, thị trường trong nước 96 triệu dân đang khao khát thực phẩm sạch, tuy nhiên người dân vẫn chưa biết đâu là thực phẩm sạch nên đây cũng là một nguồn thị trường rất lớn để chúng ta phát triển.


Bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban, Ban Thể chế kinh tế, CIEM cho biết, ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ tích hợp hệ thống kết nối số hoá-vật lý-sinh học với sự đột phá của IOT, với Bigdata và AL sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị. 

Làn sóng đổi mới, ứng dụng KHCN sẽ diễn ra mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hoá thương mại, theo đó sức ép cạnh tranh cũng lớn hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì cần nghiên cứu tiếp cận nông nghiệp 4.0, áp dụng những thành tựu 4.0 vào sản xuất như ứng dụng cảm biến, IOT, CN đèn LED, drones, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Dẫn chứng về kinh nghiệm của Israel trong việc ứng dụng CMCN 4.0, bà Luyến cho biết, Israel dẫn đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp. Nông nghiệp Israel được xây dựng dựa trên công nghệ đổi mới và tiến bộ không dựa trên lợi thế so sánh về tự nhiên. 

Tại Israel, một số công ty cung ứng công nghệ nông nghiệp chính xác theo hướng giải pháp toàn diện. Nên tất cả các trang trại hay nhà lưới của Israel đều trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số với cảm biến và điều khiển tự động. 

Trong khi đó, tại Thái Lan, Chính phủ có chính sách đổi mới công nghệ định hướng nông nghiệp và thực phẩm của Thái Lan theo nông nghiệp 4.0. Chương trình hành động cụ thể đưa ra cho phát triển từng vùng với các sản phẩm cụ thể cho từng giai đoạn. 

Tập trung phát triển nguồn lực chất lượng cao qua hình thành các trung tâm đào tạo huấn luyện ở các tỉnh để tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ. Đưa ra bản đồ nông nghiệp để phân định ranh giới giữa các vùng nông nghiệp ở tất cả các tỉnh cho phép nông nghiệp đáp ứng cho từng cây trồng theo đất canh tác. Từng tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan phải thống nhất trong chương trình đạo tạo và hỗ trợ công nghiệp nông nghiệp.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua ứng dụng CMCN 4.0 vào nông nghiệp đã có những điểm sáng, một số DN, hợp tác xã, người dân ứng dụng công nghệ thông minh trong các khâu, công đoạn khác nhau của ngành nông nghiệp và mang lại nhiều kết quả tích cực. 

Đơn cử như, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Vifarm đã ứng dụng công nghệ thuỷ canh hồi lưu, nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước, môi trường sống được kiểm soát bởi hệ thống máy tính và các thiết bị IOT nhằm đảm bảo môi trường tốt cho cây. Hay VinEco, Cầu Đất Farm ứng dụng công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá; quy trình sản xuất nông sản khép kín, tự động, hiện đại.

Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Vifarm đã ứng dụng công nghệ thuỷ canh hồi lưu, nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước, môi trường sống được kiểm soát bởi hệ thống máy tính và các thiết bị IOT nhằm đảm bảo môi trường tốt cho cây.

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, dư địa phát triển nông nghiệp còn rất lớn, tuy nhiên chúng ta chưa tận dụng được nên chúng ta cần phải nhân rộng ra. 

Dư địa xuất khẩu nông sản cũng rất lớn tuy nhiên vấn đề ở chỗ hàng chúng ta chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu. “Thị trường trong nước 96 triệu dân đang khao khát thực phẩm sạch, tuy nhiên người dân vẫn chưa biết đâu là thực phẩm sạch nên đây cũng là một nguồn thị trường rất lớn để chúng ta phát triển”, ông Sỹ nhấn mạnh.

PGS. TS. Đinh Dũng cũng kiến nghị, nhà nước với vai trò bà đỡ cần xây dựng chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho các DN, HTX, đưa khoa học, công nghệ hiện đại vào nông nghiệp. Đối với các viện nghiên cứu, các cơ sở sự nghiệp khoa học công lập, ngoài công lập phục vụ nông nghiệp cần được hưởng chính sách ưu đãi đồng thời phải đổi mới cơ chế đặt hàng. 

DN và HTX, các tổ chức liên kết của người nông dân khi ứng dụng KHCN được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản; được giảm thuế thu nhập DN, được khuyến nông, khuyến ngư cũng như được cung cấp miễn phí các thông tin về sản phẩm, về thị trường. 

Đặc biệt, “ cần phải có một tổ chức có thể là Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững” có đủ thẩm quyền để chỉ đạo, tổ chức triển khai các chính sách.” PGS. TS. Đinh Dũng đề xuất.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, đại diện CIEM cho rằng, cần có giải pháp về nguồn nhân lực, đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, vấn đề về tài chính và thị trường và tổ chức sản xuất. Trong đó cần thay đổi tư duy nông dân và DN, cần lấy thị trường làm căn cứ để xác định mặt hàng, chất lượng… gia tăng được độ tin cậy của người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi tư duy trong việc ứng dụng CNTN trong việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Lưu Hiệp
.
.
.