Thí điểm bán thức ăn đường phố theo giờ trên một số vỉa hè

Thứ Ba, 11/04/2017, 08:15
Thực hiện thí điểm đưa 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang kiếm sống trên vỉa hè vào buôn bán tập trung theo giờ, UBND TP Hồ Chí Minh  đã đồng ý cho quận 1 được sử dụng tạm 2 đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Chiêm và góc đường Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa để bán thức ăn đường phố. 

Mục tiêu đặt ra với đề án này là tổ chức, sắp xếp cho người có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào một khu vực để có thể quản lý, hỗ trợ, nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, xây dựng văn minh thương nghiệp và phục vụ nhu cầu có thực của người dân cũng như du khách đến thành phố. 

Theo Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, yêu cầu đặt ra với người kinh doanh là phải sạch sẽ, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm tập quán bán hàng của người kinh doanh nhỏ lẻ. Người tham gia buôn bán tập trung tại đây sẽ phải chịu sự kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc của các loại thực phẩm đưa vào chế biến và bán đúng giá đã niêm yết.

Đường thông, hè thoáng hơn sau chiến dịch giành lại vỉa hè ở trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Người bán hàng tập trung trên vỉa hè còn phải có trách nhiệm giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực buôn bán. Các hộ dân sẽ chế biến thức ăn tại nhà, khi mang ra nơi bán chỉ việc hâm nóng để bán cho khách ăn uống tại chỗ hoặc mang về chứ không tổ chức nấu nướng ngoài vỉa hè. 

Ngoài tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp kinh doanh, chế biến, các hộ buôn bán tập trung trên vỉa hè cũng được yêu cầu mở sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm đưa vào chế biến và được yêu cầu liên hệ với những DN cung cấp thực phẩm sạch, có uy tín. 

Trước mắt, quận 1 sẽ thí điểm cho các hộ dân buôn bán tập trung trên vỉa hè từ 6 đến 9 giờ sáng và từ 11-13 giờ vào buổi trưa. Chủ tịch quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, thời gian buôn bán sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tế sau 1 tháng triển khai. Việc thí điểm sẽ được tiến hành trong vòng 6 tháng, sau đó quận 1 sẽ nhân rộng ra các phường còn lại.

Đến thời điềm này, ở hầu hết những tuyến đường có vỉa hè rộng đã được các quận, huyện cho kẻ vạch sơn để giới hạn phần được để xe, buôn bán đối với hộ kinh doanh mặt tiền đường và người bán hàng rong. Tại quận Bình Thạnh, theo thông tin từ lãnh đạo địa phương này, với các trường hợp mua bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường, hiện quận mới chủ yếu dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa tiến hành xử phạt trong khi chờ quận rà soát các địa điểm phù hợp để bố trí cho các trường hợp hộ buôn bán hàng rong có nơi mưu sinh. 

Để quản lý vỉa hè, lòng lề đường sau thời gian ra quân, ngày 10-4, quận Bình Thạnh đã công bố tiến hành việc áp dụng phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”. Với phần mềm này, quận Bình Thạnh vừa có thể huy động nhân dân tham gia giám sát tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của người dân qua hệ thống camera, vừa giám sát việc thực thi công vụ của lực lượng giữ gìn trật tự đô thị. 

Theo ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, với phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”, khi phát hiện tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, người dân chỉ cần chụp ảnh, điền thông tin về địa chỉ vi phạm để gửi đi. Ngay lập tức phản ánh của người dân sẽ được chuyển đến điện thoại của lãnh đạo phường, quận và lãnh đạo HĐND 2 cấp cũng như lực lượng có trách nhiệm giữ gìn trật tự đô thị. 

Theo quy định của quận Bình Thạnh, trong vòng 2 giờ từ khi nhận phản ánh, lực lượng có trách nhiệm giữ trật tự lòng lề đường phải có mặt để xử lý, quá thời gian này, hệ thống sẽ báo trễ hạn. Cán bộ, công chức để xảy ra nhiều lần trễ hạn sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Liên quan đến việc quản lý thức ăn đường phố, trả lời kiến nghị của cử tri mới đây, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, từ tháng 9 năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. 

Tuy nhiên, thành phố cũng mới chỉ xây dựng được 4 phường điểm và 8 phường xã tham gia làm điểm về kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố. Năm 2016, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quận, huyện đã tiến hành kiểm tra đối với 15.650 cơ sở và đã phát hiện đến 13% trong số này có vi phạm. 

Do đó, việc các quận, huyện đồng loạt thực hiện sắp xếp, bố trí nơi kinh doanh tập trung cho các hộ dân buôn bán hàng rong trên vỉa hè để tăng cường kiểm soát vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố càng trở lên cần thiết. Nhất là khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang được tiến hành quyết liệt hiện nay.

Đ.Thắng
.
.
.