Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 địa phương
- An toàn thực phẩm cần thông tin có trách nhiệm
- Hà Nội: Bãi bỏ 11 thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm
- Hà Nội: Xử phạt hơn 14 tỷ đồng với các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
- Hà Nội triển khai mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm
Theo đó, việc thí điểm được triển khai tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với 7 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai, thí điểm tại không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Quyết định nêu rõ, ở cấp huyện, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là công chức các phòng: Y tế, Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và viên chức Trung tâm Y tế.
Ở cấp xã, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là công chức Văn hóa - Xã hội, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế và viên chức Trạm Y tế.
Ngoài các công chức, viên chức quy định trên, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ yêu cầu quản lý về an toàn thực phẩm của địa phương giao công chức, viên chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, cấp xã hoặc công chức, viên chức các đơn vị khác đóng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sau khi thống nhất với Thủ trưởng cơ quan quản lý công chức, viên chức đó.
Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm phải am hiểu pháp luật về thanh tra và an toàn thực phẩm, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định phân công người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; số lượng người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Theo quyết định, nội dung thanh tra an toàn thực phẩm gồm thanh tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn có liên quan đến an toàn thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm; hoạt động quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; việc thực hiện các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính; khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 29 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra hoặc người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp huyện, cấp xã lập biên bản về vi phạm của đối tượng thanh tra trình Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định.
Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được hỗ trợ bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra an toàn thực phẩm; được trang bị trang phục và được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9-2-2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành.