Thái Bình huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 31/10/2019, 16:43
Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng từ tỉnh, huyện đến cơ sở, có tác động mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội- văn hoá…


Chung sức xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành các quyết định và kế hoạch tổ chức thực hiện; tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới của các thành phần kinh tế. 

Các cơ quan thông tin đại chúng và hầu hết địa phương, cơ sở đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch; tăng thời lượng tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Các xã đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền ở thôn, xóm; in phát tờ rơi, kẻ vẽ panô, áp phích, sáng tác các tiểu phẩm, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Người dân tỉnh Thái Bình tích cực chỉnh trang đường xá để xây dựng nông thôn mới.

Nhiều sáng kiến trong vận động nhân dân như: chỉ đạo xây dựng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường ở thôn; nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang; đường, ngõ đẹp, vệ sinh, ngăn nắp; áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã được tiến hành …

Nhìn chung, nhận thức của các cấp, các ngành và hầu hết cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nhân dân có chuyển biến tích cực; nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và sự quan tâm của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân về nhận thức và hành động tổ chức thực hiện các chủ trương, nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt hiệu quả là chủ trương hỗ trợ xi măng cho nhân dân để xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn…. 

Chủ trương này đã tạo điểm nhấn quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng thời huy động được phần lớn nguồn lực trong xã hội để xây dựng nông thôn mới.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020” của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động tham gia và tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị, địa phương bằng những hoạt động cụ thể, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đoạ đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua đặc thù khác. Nhiều địa phương đã huy động được sự đóng góp tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn với những đóng góp cả về vật chất và tinh thần. 

Ở nhiều xã, nhân dân đã góp hàng vạn ngày công, hàng chục tỷ đồng, tự nguyện hiến hàng chục ha đất nông nghiệp, hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, tự phá dỡ hàng nghìn mét tường cổng, dậu, hàng trăm mét vuông công trình phụ và nhà ở để mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư và xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng

263/263 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Trong sản xuất nông nghiệp, đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung với cùng loại sản phẩm. Nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng sản phẩm cao được nghiên cứu, khảo nghiệm, đưa nhanh vào sản xuất. Cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh. 

Lĩnh vực chăn nuôi đã có một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp cao đầu tư vào sản xuất. Nuôi trồng thuỷ sản đã quan tâm phát triển một số đối tượng chủ lực như ngao, cá vược, cá song, tôm, tôm thẻ chân trắng; các Hợp tác xã nông nghiệp từng bước ổn định, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ; hình thành các liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Các chính sách về giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người nghèo từng bước được hỗ trợ, cải thiện về đời sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, giúp họ tự nỗ lực vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hoá. Kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở được giữ vững; đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hỗ trợ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cao và đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân tại trạm y tế xã. Chương trình nước sạch nông thôn đã hoàn thành việc phủ kín các địa phương trong tỉnh.

Phong trào xây dựng xã, thôn, làng, gia đình văn hoá, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp ở các xã, thôn. Hạ tầng thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chính quyền điện tử tỉnh.

Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở được củng cố. Công tác quản lý, điều hành được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và kỷ luật, kỷ cương của bộ máy hành chính. 

Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới tiếp tục được giữ vững và phát triển; an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân của các xã được đổi mới. Kết quả hạ tầng nông thôn mới được tăng cường, tạo nên bộ mặt mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch, đẹp. 

Hệ thống bờ vùng, bở thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới diện, trạm bơm, cống đập, chợ, trường học, nhà văn hoá, khu thể thao, trạm y tế , trạm cấp nước sạch, bãi xử lý rác thải…, được tập trung đầu tư xây dựng theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. 

Kết quả đến hết năm 2019, tỉnh Thái Bình có 263 xã/ 263 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí đạt 19 tiêu chí/ xã; có 1 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6 tháng cuối năm 2019 có thêm 4 huyện mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1865/ QĐ-TTg ngày 23-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

PV
.
.
.