Tết về trên thung lũng đào Mười Lời
Chủ nhân đầu tiên của thung lũng đào Mười Lời, ông Bùi Văn Lời nay không còn. Trước khi ra đi (năm 2009), ông đã kịp để lại di sản lớn, đó là hàng trăm gốc đào Đà Lạt, được lai ghép giữa đào Nhật Tân với loại đào lông bản địa. Loại đào mới do ông Mười Lời lai ghép thành công cho hoa lớn, nhiều cánh, nhiều màu sắc khác nhau.
Khi ông qua đời, hằng năm cứ vào cuối đông, đầu xuân, lúc thung lũng hoa đào rộ nở, nhuộm đỏ rực, người dân phố núi lại nhắc đến tên ông như một sự ghi nhận đóng góp của con người này với một giống đào mới của Đà Lạt.
Anh Bùi Văn Sang, người tiếp nối thành quả từ cha kể lại, năm 23 tuổi, ông Bùi Văn Lời quyết định từ giã quê nhà huyện Đại Lộc (Quảng Nam) dạt vào Đà Lạt lập nghiệp. Cũng như những gia đình khác, ông Mười Lời lấy việc trồng rau, trồng hồng làm kế sinh nhai qua ngày. Không lâu sau, thấy người dân Đà Lạt làm hoa thương phẩm kiếm bộn tiền, ông Mười Lời lại lân la tiếp cận với nghề làm hoa. Lúc bấy giờ ở Đà Lạt mới chỉ có loại đào lông, cây thường lớn nhanh, gốc to, thế đẹp, nhiều hoa, nở quanh năm nhưng lại không trúng vào dịp Tết.
Ông Mười Lời quyết đình dùng loại đào này lai ghép với giống đào nổi tiếng Nhật Tân của Hà Nội với mong muốn cho ra giống đào mới khỏe mạnh, cây có thế đẹp và hoa phải nở đúng vào dịp Tết. Bước vào công việc, thất bại nối tiếp thất bại, năm lần bảy lượt kết quả lai ghép không như mong đợi. Dù vậy, ông Mười Lời vẫn một mực kiên trì rút kinh nghiệm lai ghép. Cuối cùng, một giống đào mới đã ra đời, nở hoa rực rỡ. Đặc biệt, ông Mười Lời còn có bí quyết điều khiển hoa đào nở vào bất cứ thời điểm trong năm bằng một chế độ chăm sóc đặc biệt.
Anh Bùi Văn Sang bên thung lũng hoa đào Mười Lời do cha anh để lại. |
Từ năm 2000, ông Mười Lời còn cất công sưu tầm nhiều gốc đào cổ, đào quý hiếm về trồng và tiếp tục lai ghép. Trong đó phải kể đến loại đào thất thốn, hay còn gọi là đào tiến vua, một cây đào cổ cực quý ở Hà Nội, chỉ có trong vườn hoa Nhật Tân, những người giữ được giống đào này không nhiều, cũng được ông đưa về đây trồng, chăm sóc, nhân giống. Gọi “thất thốn” vì mỗi năm, thân cây hoa này chỉ phát triển tối đa 7cm, khi nở hoa mỗi cành cũng chỉ 7 bông. Anh Bùi Văn Sang cho biết, đào thất thốn Đà Lạt là giống riêng, được nghệ nhân Vũ Hữu Sửu phục dựng giống vào năm 1968 nhưng mãi đến năm 1996, nghệ nhân Mười Lời mới ghép thành công lên cây đào lông Đà Lạt. Khi ông Mười Lời mất, anh Sang đã tiếp tục chăm bón, nhân ra cho đến nay.
Sau nhiều cố gắng, anh Sang đã có được khoảng 20 gốc đào thất thốn, cây lớn nhất có tuổi thọ gần 50 năm. Với kinh nghiệm của mình, anh Sang đã “ép” được loại hoa cực hiếm này trổ hoa vào dịp Tết để mang đến Hội Hoa xuân TP Hồ Chí Minh tham gia trưng bày triển lãm và giành được huy chương vàng vào năm 2010.
Năm 2011, ông chủ trẻ vườn hoa Mười Lời lại đem đến Hội Hoa xuân TP Hồ Chí Minh một giống hoa cực quý khác, đó là bạch đào. Đây là loại đào có màu trắng muốt, cũng khó tính không kém đào thất thốn, trước đây chỉ có ở Phú Thượng (Hà Nội) thì nay đã nở hoa ở “Mười Lời - Thung lũng đào hoa” và đem về cho Bùi Văn Sang huy chương bạc.
Ngày nay, thung lũng hoa đào Mười Lời đã có gần 1.000 gốc đào các loại. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, thung lũng ấy lại rực lên nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp đến nao lòng. Những ngày này, rất đông người tới tham quan, chụp hình, lựa chọn thuê, mua đào về trưng ngày Tết. Anh Bùi Văn Sang cho biết, Tết này thung lũng hoa Mười Lời sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 300 cành, bán với gia từ 100.000 - 500.000 đồng/cành và khoảng 300 chậu đào cho thuê với giá từ 1,5 -7 triệu đồng/chậu trong vòng 1 tháng.