Có một miền hoa ở cao nguyên đá

Thứ Bảy, 06/02/2016, 14:16
Cao nguyên đá Hà Giang những ngày đông về, người, xe nườm nượp. Khung cảnh ấy làm cho những con đường ngoằn ngoèo, mảnh như sợi chỉ bớt đi vẻ thăm thẳm giữa trập trùng núi đá. Người dưới xuôi, người trong Nam… nô nức kéo đến khám phá miền hoa ở nơi địa đầu Tổ quốc. 


Cái miền hoa được giữ gìn, được gieo trồng và tạo nên cơn sốt “phượt” Hà Giang nhờ loài cây thân cỏ, mảnh mai, có hoa nhỏ tí với màu sắc biến đổi theo độ tuổi vốn được bà con vùng rẻo cao gọi là – cây giáp hạt, song cái tên phổ biến và hấp dẫn hơn là “Tam giác mạch”.

1. Cây giáp hạt. Đó là cách gọi cây tam giác mạch của anh Dinh Mí Sình, Chủ tịch UBND xã Xã Phìn, huyện Đồng Văn khi ngồi uống rượu ngô với chúng tôi trước dinh nhà Vương (còn gọi là dinh vua Mèo). Cũng theo anh Sình, chẳng riêng anh mà đa số bà con người Mông đều gọi cây tam giác mạch với cái tên nôm như vậy.

Mặc bộ complet caro nếp thẳng tắp, đầu đội mũ nồi, chân đi giày da, trông vị Chủ tịch xã sinh năm 1976 thật sành điệu. Nước da trắng, khuôn mặt cân đối với chiếc mũi thẳng tắp, đám phụ nữ trong đoàn “phượt” vì tam giạc mạch của chúng tôi thầm thì, “anh ấy đẹp trai thật”.

Trò chuyện với anh Sình, tôi được biết, anh sinh ra và lớn lên ở sát dinh nhà Vương. Người Mông có đặc thù thích sống trên núi cao, quen với tập tục canh tác trên núi đá, thích uống rượu ngô và mèn mén là món ăn thường ngày. 

Cũng như bao đứa trẻ người Mông khác, anh Sình lớn lên gắn bó với cuộc sống mưu sinh trên đá. Từ bé, anh đã theo bố mẹ lên nương trồng lúa, trồng ngô. Có khi, còn phải cậy từng khe hở của đá để đặt hạt ngô và trông chờ ngày nó nảy mầm, trổ cờ, ra bắp… Khí hậu ở vùng này vô cùng khắc nghiệt. Có khi nắng hạn, đất nứt toác, đá nóng ran. Có khi rét, cắt da, cắt thịt… Những năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà đều đầy ắp lúa, ngô. Nhưng những năm thời tiết không thuận lợi, sợ nhất là mùa giáp hạt. Cây ngô thì chưa đến lúc gieo trồng, nhưng trẻ con phải ăn để lớn… Và cứu cánh cho họ chính là cây tam giác mạch.

Tôi cầm trên tay hạt tam giác mạch vân vê. Nó có vỏ màu đen, cứng. Khi bóp nát, tứa ra bột màu trắng. Hạt tam giác mạch có 3 cạnh, có thể từ hình khối này, người ta gọi nó là tam giác mạch cũng nên. Tôi hỏi Vương Mí Sùng đang cùng vợ bán hàng vặt ven đường đến dinh nhà Vương: “Hạt tam giác mạch có thể để làm gì?”, Sùng chỉ ngay vào cái bếp than, trên có mấy cái bánh màu xám bảo: “Đây là bánh tam giác mạch. Chị mua đi…”. Sùng còn nói, tam giác mạch còn dùng để nấu rượu.

Du khách hân hoan giữa nương tam giác đang khoe sắc.

Tôi mua một cái bánh tam giác mạch của vợ chồng Sùng giá 20.000đ, rồi bẻ một miếng cho vào miệng. Bánh có vị ngòn ngọt, hơi chua chua. Thoảng nghe cái mùi cũng giông giống bánh mì. Đưa cho mọi người trong đoàn cùng ăn, nhiều người đều chung nhận xét “bình thường”. Riêng cậu con trai 11 tuổi của tôi ăn tì tì mà không có lời bình luận nào. Bản thân tôi, càng ăn càng thấy ổn. Có lẽ, tôi ăn cái bánh này lúc 2h chiều trong tình trạng cái bụng đang réo rắt đòi bữa trưa. Thế nên, khi trò chuyện với vị Chủ tịch xã Xà Phìn, nghe anh gọi tam giác mạch là cây giáp hạt, tôi đã liên tưởng đến cái bánh mình vừa ăn lúc “giáp hạt” do quá bữa.

Cũng theo anh Dinh Mí Sình, những lúc giáp hạt, bà con trong bản lại lấy những túi tam giác mạch trên gác bếp ra nương gieo. Thế nên, cách trồng tam giác mạch của người Mông khác hẳn với vụ đông của người dưới xuôi. Cũng bởi trồng để bổ sung thêm phần lương thực còn thiếu nên bà con chỉ trồng đủ dùng thôi. 

Cuộc sống đổi thay, đời sống bà con người Mông cũng dần khá lên. Tuy nhiên, vào những mùa giáp hạt, họ vẫn đem hạt tam giác mạch ra gieo. Và chính những phượt thủ trên hành trình khá phá miền cao nguyên đá đã phát hiện ra vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ của loài cây “giáp hạt” này. 

Từ những bức ảnh “rò rỉ” trên mạng, vẻ đẹp rất riêng của loài hoa này đã thu hút sự tò mò, kích thích sự khám phá của nhiều người. Sức hút về Hà Giang để khám phá cao nguyên đá, ngắm sông Nho Quế từ đỉnh Mã Pí Lèng, ghi “dấu ấn” trên cột cờ Lũng Cũ và chụp ảnh với hoa tam giác mạch đã kéo một lượng lớn du khách. Để du khách mãn nhãn, chính quyền địa phương đã vào cuộc, bà con người Mông hưởng ứng và tam giác mạch trở thành “đặc sản” du lịch của Hà Giang.

2. Năm 2015, lần đầu tiên Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch. Đây là việc làm thức thời, bắt nhịp được cơn nghiện “nuôi fây” (facebook) của hàng triệu người sử dụng smarphone. Để chuẩn bị cho lễ hội này, hàng tấn hạt tam giác mạch đã được gieo trồng. Dọc quốc lộ 4C, đoạn qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… đâu đâu cũng bắt gặp những nương tam giác mạch đang khoe sắc. Hoa tam giác mạch biến đổi màu theo độ tuổi. Màu sắc đậm dần, đậm dần rồi hoa rụng cánh, đậu hạt. Hạt tam giác mạch khi chín màu đen. Bà con thu hoạch, đem về xay bỏ lớp vỏ cho ra thứ bột có thể làm bánh, nấu rượu. 

Trở lại cung đường khám phá thiên đường hoa tam giác mạch để thấy cơn sốt của loài hoa này. Đoàn chúng tôi, cả người lớn trẻ nhỏ 10 người. Chúng tôi có mặt ở Hà Giang trước chính hội một tuần để tránh… tắc đường. Từ thành phố Hà Giang, bám quốc lộ 4C, chúng tôi hòa vào dòng người đi… ngắm hoa. Đến Cổng trời Quản Bạ, cả đoàn dừng chân ngắm Núi Đôi. 

Cũng tại điểm này, chúng tôi gặp một tổ công tác gồm 3 đồng chí thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang. Họ có nhiệm vụ tuần tra trên cung đường độc đạo này để xử lý những tình huống giao thông bất ngờ và chống… tắc đường. Đường dài hun hút, nhà cửa lơ thơ mà cũng tắc đường như Thủ đô là sao nhỉ? Trung tá Tạ Khắc Thắng cho biết, từ khi hoa tam giác mạch bắt đầu nở, lượng người, xe tăng đột biến. Để hạn chế thấp nhất những sự cố trên đường, Công an tỉnh Hà Giang đã giao Phòng CSGT, Công an các huyện trên tuyến đường du lịch hoa tam giác mạch tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông.

Rời cổng trời Quản Bạ, vụt qua Núi Đôi, chúng tôi tiến vào Yên Minh và bỗng thấy mê mẩn bởi ruộng tam giác mạch đầu tiên. Thung lũng ở đây rộng, nên những ruộng hoa khá bằng. Có khá nhiều khách du lịch dừng chân chụp ảnh nhưng đoàn chúng tôi thống nhất đi tiếp, bởi chắc chắn sẽ có những ruộng đẹp hơn. Thế rồi, khi đứng trước những thảm hoa lượn sóng hai bên đường chúng tôi buộc phải dừng chân. Chủ ruộng hoa là một cô gái trẻ, trên lưng địu con nhỏ. Cô gái cho biết tên là Phàn Thị Thương, cô gieo 20kg hạt tam giác mạch trên chính thửa đất vốn dùng để trồng ngô. 

“Cán bộ bảo trồng hoa để chụp ảnh. Hết mùa hoa, gặt để lấy hạt nấu rượu”, Thương nói. Mỗi người chụp ảnh, Thương thu 10.000 đồng theo mặt bằng chung. Thiếu phụ miền sơn cước cười hiền khô, đứa con nhỏ trên vai cô thì ngủ ngon lành giữa những tiếng cười nói xôn xao của đám người dưới xuôi đang “tự sướng”.

3. Khám phá Hà Giang. Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của hoa tam giác mạch để thấy, thiên nhiên ở đây thật đẹp. Nhưng để sinh tồn ở nơi thiên nhiên hùng vĩ ở cao nguyên đá, là cả một quá trình chinh phục. Trong hành trình chinh phục ấy, đã có những nốt nhạc lan tỏa. Vẻ đẹp của thiên nhiên, cây cỏ và cuộc sống của bà con người Mông đã kéo du khách đến đây. 

Tháng 10-2010, cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu. Sự kiện này đã thu hút rất đông khách trong và ngoài nước đến đây. Nay, vẻ đẹp “không son phấn” của hoa tam giác mạch tạo thêm sức hấp dẫn để kéo khách du lịch đến Hà Giang. Và hẳn, loài hoa này đang góp phần giúp ngành công nghiệp không khói của tỉnh địa đầu Tổ quốc khởi sắc.

Ruộng hoa tam giác mạch hình trái tim, hình cột cờ Lũng Cú… là những tạo hình hoa được bà con người Mông khéo léo tạo nên mà chúng tôi gặp trên hành trình đến với miền hoa này. Đọng trong chúng tôi sau chuyến đi không chỉ là những bông hoa nhỏ tí nhiều sắc màu mà còn là một miền thơ giữa tiếng khèn Mông da diết…

Loan Tuân
.
.
.