Tàu vỏ thép “biến” ước mơ vươn khơi xa của ngư dân thành hiện thực
- Vụ tàu vỏ thép bị hư hỏng: Ngư dân yêu cầu thay máy mới
- Công an Cần Thơ tiếp nhận tàu vỏ thép hiện đại
- Bàn giao 3 tàu vỏ thép trị giá 60 tỷ cho ngư dân Quảng Trị
Chúng tôi về xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, tình cờ gặp lại lão ngư Trần Văn Chiến sau 7 tháng kể từ ngày ông tiếp nhận chiếc tàu vỏ thép đóng mới, số hiệu TTH-99999.TS, khi vừa đánh bắt hải sản trở về từ vùng biển xa bờ. Giọng nói đậm chất miền biển, ông Chiến tự hào cho biết, tàu vỏ thép của gia đình ông là chiếc tàu đầu tiên của tỉnh được đóng mới theo Nghị định 67.
Ông Chiến trải lòng: “Tui vốn là ngư dân, quanh năm lăn lộn với đầu sóng ngọn gió giữa muôn trùng khơi nên ước mơ lớn nhất là mong có được chiếc tàu lớn, kiên cố hơn tàu gỗ để thỏa niềm đam mê đi biển. Vì thế, khi Nhà nước có chủ trương giúp ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67, tui quyết định đăng ký đóng con tàu vỏ thép này...”.
Chủ tàu cá vỏ thép ở huyện Phú Vang trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản trên vùng biển xa bờ. |
Theo lời ông Chiến, sau nhiều lần tìm hiểu, cuối cùng gia đình ông chọn Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á (Hà Nội) để đóng tàu. Cuối tháng 11-2016, chiếc tàu vỏ thép dài 28m được lắp đặt máy công suất trên 800CV, trên tàu còn có 2 máy phát điện 79KVA và 17KVA, hệ thống lái điện thủy lực, tời kéo lưới thủy lực 4 tấn... với tổng kinh phí đóng tàu 18,4 tỷ đồng được hoàn thiện, hạ thủy trong sự phấn khởi của gia đình và chính quyền địa phương.
“Phải công nhận số tiền đóng tàu là quá lớn, nhưng hiệu quả khai thác hải sản trên biển của tàu sắt đem lại thì vô cùng bất ngờ... Kể từ khi hạ thủy đến nay, tàu của tui đã có 5 chuyến vươn khơi xa, mỗi chuyến kéo dài từ 15 ngày đến gần cả tháng trời và đánh bắt được cả chục tấn hải sản. Đầu năm đến nay, tàu vỏ thép của tui đánh bắt thu lãi được 800 đến 900 triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực để giúp tui và các thuyền viên có động lực bám biển”, ông Chiến cho biết.
Ghé thăm ngư dân Nguyễn Hôi, ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, là người thứ 2 ở Huế vừa hạ thủy tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67. Ông Hôi cũng cho hay, từ khi tàu hạ thủy đã có 4 chuyến đi biển dài ngày để đánh bắt các loại hải sản, trong đó kinh tế nhất là cá ngừ đại dương. Trừ tiền công lao động cho các thuyền viên thì tàu ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
“Dịp này thời tiết thuận lợi nên sau khi cập bờ để tiếp nhiên liệu và lương thực, tàu của tui cùng các thuyền viên sẽ lại ra khơi để đánh bắt và mong rằng sẽ thu hồi lại số vốn đóng tàu trong thời gian nhanh nhất có thể”, ông Hôi bày tỏ.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế xác nhận, tỉnh Thừa Thiên -Huế có 2.500 tàu thuyền hoạt động khai thác biển, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ có thêm 45 tàu cá công suất lớn, trong đó có cả tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Mặc dù tàu cá vỏ thép trên địa bàn tỉnh hoạt động đánh bắt xa bờ hiệu quả, tuy nhiên sau sự cố nhiều tàu vỏ thép của ngư dân ở tỉnh Bình Định vừa đóng mới nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên một số ngư dân ở Huế đã xin rút đơn khỏi danh sách đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Ví như ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) có 4 ngư dân rút đơn, không tiếp tục đóng tàu vỏ thép.
Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết thêm, ngoài số ghe, gọ đánh bắt vùng gần bờ, hiện xã còn có gần 30 tàu chuyên đánh bắt xa bờ với công suất từ 105-850CV.
Vừa qua, có 4 hộ ngư dân của xã đăng ký đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Khi các hộ đang từng bước hoàn tất thủ tục thì có thông tin tàu vỏ thép ở Bình Định vừa đóng đã hư hỏng nên ngư dân đành rút đơn, không đăng ký đóng tàu vỏ thép nữa, trong đó có 3 ngư dân xin chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ...
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: “Việc đóng tàu vỏ gỗ hay vỏ thép là quyền lựa chọn của các ngư dân. Qua công tác giám sát, kiểm tra, đến nay chúng tôi thấy các tàu vỏ thép ở địa bàn có chất lượng đảm bảo đúng theo thiết kế, hoạt động hiệu quả và chưa có ngư dân nào phản ánh về tình trạng tàu hỏng hóc... Hoạt động đánh bắt ở các ngư trường xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân địa phương không những góp phần bảo vệ ngư trường, chủ quyền lãnh hải mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao”.