Tất bật chuẩn bị trái cây tạo hình bán Tết

Thứ Năm, 03/11/2016, 08:24
Còn khoảng 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng nhiều nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho việc khắc chữ, tạo hình dáng "độc, lạ" cho trái cây, nhằm phục vụ thị trường Tết.


Bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng… gặp khó

Rảo quanh các vườn bưởi Năm Roi xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang), ta dễ dàng bắt gặp cảnh nông dân đang háo hức chuẩn bị và kỳ vọng mùa bưởi Tết tới đây tiếp tục bội thu do giá loại trái cây đặc sản này thời gian qua ổn định ở mức cao, đặc biệt là đối với bưởi hồ lô chưng Tết.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà vườn, do tác động của thời tiết đặc biệt là cơn bão số 1 đã làm phần lớn lượng bưởi ra hoa tự nhiên sớm hơn dự kiến khoảng một tháng. Điều này khiến nhiều nhà vườn vỡ kế hoạch cho vụ bưởi tạo hình phục vụ thị trường trái cây chưng Tết.

Các nhà vườn hi vọng thành quả lao động những tháng cuối năm được đền đáp xứng đáng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) trái cây tạo hình (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), cho biết: “Năm nay, CLB có 26 thành viên với tổng diện tích đất canh tác gần 25ha, trong đó chủ yếu bưởi Năm Roi để tạo hình trái bán trong dịp Tết. Khó khăn hiện nay, ngoài yếu tố thời tiết thì việc những cây bưởi của nhà vườn đã khai thác nhiều năm bị lão hóa, sâu bệnh… không còn cho năng suất và chất lượng cao nên các thành viên trong CLB buộc phải phá bỏ trồng mới lại, dự kiến 3 năm sau mới có thể cho trái để tạo hình. Để có sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết, hiện tại các thành viên đã phải tìm đến các tỉnh trong vùng như Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… để hợp tác với các nhà vườn trồng bưởi Năm Roi để sản xuất bưởi tạo hình”.

Đặc biệt, chi phí sản xuất cho vụ bưởi Tết cũng đội lên cao vì nhà vườn phải tiếp tục xử lý ra hoa lần thứ hai để có trái phục vụ việc tạo hình thu hoạch đúng dịp Tết. Tuy nhiên, tỷ lệ cho ra hoa, đậu trái rất ít do đã ra hoa đợt đầu.

Nếu năm vừa rồi, CLB sản xuất trên 10.000 trái bưởi tạo hình hồ lô thì năm nay số lượng trái bưởi tạo hình hồ lô giảm chỉ còn một nửa. “Dù vậy, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường năm nay, CLB còn cho ra đời mẫu chữ “Tài – Lộc” thư pháp. Riêng về giá cả thì sẽ không thay đổi so với năm vừa rồi” – ông Thành chia sẻ.

Theo một số nhà vườn trồng dưa hấu thì năm nay do lũ về muộn, nước rút chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống, dự tính số lượng dưa hấu tạo hình năm nay sẽ giảm mạnh.

Ông Trần Thanh Liêm (nghệ nhân tạo hình trên dưa hấu phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho rằng: “Năm nay do thời tiết khắc nghiệt, nước rút trễ hơn so với mọi năm nên khả năng sẽ xuống giống trễ, điều này làm ảnh hưởng đến độ lớn của dưa, nếu không chủ động ứng phó sẽ bị tình trạng dưa không đầy khuôn. Để phục vụ cho thị trường Tết năm nay, tôi dự định sẽ chỉ tạo hình khoảng 800 - 900 cặp dưa hấu thỏi vàng “Tài – Lộc””.

Còn về giá cả, ông Liêm cho biết còn tùy vào chi phí sản xuất và thị trường, nên chưa thể đoán được, dự đoán chi phí sẽ sản xuất sẽ tăng khá cao.

Đào tiên hồ lô, xoài bao chữ, dừa thư pháp… trúng mùa

Lão nông Võ Hồng Quốc (71 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), vẫn ngày ngày ra vườn, chăm chút cho những gốc đào tiên của mình với hi vọng “trúng đậm” ở vụ Tết năm nay. Đây là lần đầu tiên ông Quốc cung cấp cho thị trường khoảng 400 trái đào tiên với nhiều kiểu dáng như đào tiên hồ lô, đào tiên “Tài - Lộc” và đặc biệt là đào tiên hình bản đồ Việt Nam, giá mỗi cặp từ 600.000 - 1.000.000 đồng (bình quân mỗi trái nặng từ 1,2-1,5kg).

Ông Quốc cho biết, đào tiên là cây dễ trồng, thích nghi các vùng đất ở ĐBSCL, trồng 3 - 4 năm là bắt đầu cho trái. “Để tạo hình đào tiên hồ lô trước hết phải chọn những trái bóng đẹp, tròn cho vào khuôn. Thông thường mất 5-6 tháng trái tạo hình hồ lô hoàn chỉnh có thể cho thu hoạch”, ông Quốc cho biết.

Hiện tại, vườn đào tiên của ông Quốc đang trong giai đoạn tạo hình ở tháng thứ 3, dự kiến thu hoạch vào khoảng 20 Tết âm lịch. Với 100 cây đào tiên nói trên sau khi trừ hết chi phí, dự kiến lãi khoảng 120 triệu đồng...

Là người “vẽ” thư pháp lên trái dừa xiêm đầu tiên ở miền Tây, anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, Bến Tre) đang vào công đoạn “thắt eo” cho dừa hồ lô và hoàn thiện khuôn chữ cho dừa thư pháp.

Năm nay, anh Tâm sẽ cho ra thị trường khoảng 2.000 trái dừa thư pháp và 4.000 trái dừa hô lô (xuất khẩu sang châu Âu). Dự kiến, mỗi trái dừa sau khi được khắc chữ thư pháp sẽ bán với giá từ 400.000 - 500.000đ/trái, riêng dừa hồ lô sẽ có giá từ 500.000 - 600.000đ/trái.

Sản phẩm xoài bao chữ của anh Huỳnh Thanh Khoa (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), rất thu hút khách hàng ở năm đầu tiên ra mắt. Nhằm cải thiện sản phẩm tốt hơn, anh Khoa cho biết: “Hiện vườn xoài đang thử nghiệm một số mẫu chữ mới để áp dụng vào vụ mùa xoài Tết năm nay. Đặc biệt, năm nay tôi đã tiến hành nghiên cứu và ghép thử nghiệm 2 chữ vào 1 trái xoài, chứ không giống như năm trước 1 chữ/ trái, nhưng vẫn giữ giá bán cũ (300.000đ/trái)”.

Được biết, vườn xoài anh Khoa đang trong giai đoạn rụng nhụy, nhưng mưa nhiều đã khiến cho tỉ lệ đậu trái giảm làm ảnh hưởng đến năng suất. Năm nay, anh Khoa cùng các thành viên trong Hội làm vườn xã Tân Thuận Đông ước tính sẽ khắc chữ lên 5.000 trái xoài nhằm cung cấp cho thị trường trái cây “độc, lạ”.

Đặc biệt, số lượng xoài sẽ dao động dựa vào đơn hàng trong thời gian đến. Riêng đối với xoài bản đồ sẽ được sản xuất theo đơn đặt hàng.

Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: “Sản phẩm bưởi tạo hình của nhà vườn trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng, tạo tiền đề quan trọng giúp nghề trồng bưởi của bà con ngày càng phát triển.
Chỉ tính riêng mùa bưởi Tết tới đây, toàn huyện có hơn 600ha được xử lý cho trái. Từ nay đến Tết còn vài tháng nữa nên người dân cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình hình dịch bệnh nhằm kịp thời xử lý và chăm sóc vườn cây đạt hiệu quả cao nhất.
Với sự chuẩn bị chu đáo phục vụ thị trường tết, các nhà vườn ở huyện Châu Thành đều hi vọng thành quả lao động những tháng cuối năm được đền đáp xứng đáng và đón năm mới với niềm vui trọn vẹn”.
Trần Lĩnh
.
.
.