Tập trung phòng chống cúm gia cầm ở ĐBSCL

Thứ Sáu, 10/03/2017, 09:19
Theo thống kê, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng đàn gia cầm dao động khoảng 58-60 triệu con (gà, vịt). Hiện nay, đã có 3 địa phương phát hiện ổ dịch cúm gia cầm, nên nguy cơ cúm gia cầm lây lan là rất cao.

Cụ thể, tại Bạc Liêu có 1 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại một hộ chăn nuôi tại ấp Vĩnh Phú A (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) làm 400 con gà bị mắc bệnh, chết và 2.785 con gà bị tiêu hủy; tại tỉnh An Giang có 2 ổ dịch cúm A H5N1 đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi gia cầm của xã Tân Trung (huyện Phú Tân) khiến 300 con vịt trời mắc bệnh và 809 con vịt trời phải tiêu hủy, tại xã Phú Mỹ Đông (huyện Thoại Sơn) có 80 con gà mắc bệnh và đã bị tiêu hủy; tại tỉnh Sóc Trăng xảy ra 1 ổ dịch cúm A H5N1 tại 1 hộ nuôi gà thuộc xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú) đã có 110 con mắc bệnh và 945 con bị tiêu hủy.

Trước đó, vào cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đã phát sinh một ổ dịch cúm gia cầm với số lượng trên 700 con. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy và phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng…

Mặc dù tình hình dịch cúm gia cầm diễn ra hết sức phức tạp, nhưng tại một số điểm chợ, dọc các tuyến lộ, gà, vịt sống không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán ngang nhiên gây khó khăn cho công tác phòng, chống cúm của ngành chức năng. Ghi nhận dọc theo QL91B, đoạn qua khu vực cầu Bà Bộ, phường Long Hòa, phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và khu vực phường An Khánh (quận Ninh Kiều), việc người dân ngang nhiên bán gà vịt dọc đường, trên cả vỉa hè dành cho người đi bộ…

ĐBSCL đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm.

Theo tìm hiểu, những người mua bán gia cầm tại khu vực này cho biết, gia cầm buôn bán có nguồn gốc từ vườn nhà, hoặc mua lại qua trung gian, chưa được kiểm dịch… nhưng vì lợi nhuận nên vẫn bán. Thậm chí, có hộ còn tổ chức giết mổ, bán tại nhà. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thông tin, tại khu vực trên có khoảng 30 hộ buôn bán gia cầm.

Theo đó, các ngành chức năng đã thiết lập các đoàn kiểm tra xử lí, nhưng các hộ buôn bán vẫn cố tình vi phạm, nhiều hộ né tránh đoàn kiểm tra bằng cách dựng bảng bán gà, sau đó có người đến mua thì họ vào nhà lấy ra bán, chứ không trưng bày gà, vịt sống.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ngành chức năng các tỉnh, thành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm dập tắt ổ dịch cũng như lập kế hoạch phòng, chống dịch.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện, tổng số đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh trên 3,5 triệu con. Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm trên địa bàn tỉnh được Chi cục Thú y thực hiện định kỳ, với trên 80% đàn gia cầm được tiêm vaccine.

Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm ổ dịch nào; tại tỉnh Long An, tổng đàn gia cầm là 8 triệu con, do là tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia, vì vậy để phòng ngừa có hiệu quả sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus gia cầm khác xâm nhiễm từ khu vực biên giới vào địa bàn, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt chuyển về các huyện khu vực biên giới 1 triệu liều vaccine cúm gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêm phòng theo phương án xã hội hóa vaccine.

Ghi nhận tại các tỉnh biên giới như Đồng Tháp, An Giang,… tình hình vịt chạy đồng diễn ra “rầm rộ”. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, tổng đàn gia cầm 3 triệu con (trong đó, 2 triệu con vịt và 1 triệu con gà). Tuy nhiên, vào mùa vịt chạy đồng, thì tổng đàn vịt sẽ tăng lên gấp đôi khoảng 4 triệu con. Việc vịt chạy đồng sẽ làm tăng đàn, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang mầm bệnh từ nơi khác đến. Còn tại TP Cần Thơ có 2 chốt kiểm dịch cố định ở cửa ngõ vào thành phố (đặt tại bốt số 10 giáp với tỉnh Hậu Giang, 1 trạm đặt tại Lộ Tẻ kiểm soát Kiên Giang, An Giang).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cũng có đội kiểm dịch lưu động, trạm thú y 9 quận, huyện đều có lực lượng kiểm dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bùng phát, lây lan.

Trần Lĩnh
.
.
.