Tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh chất dễ cháy trong khu dân cư

Thứ Tư, 09/10/2019, 08:10
TP Cần Thơ hiện có hàng trăm cơ sở kinh doanh chất dễ cháy với quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù các chủ cơ sở này quan tâm trang bị phương tiện chữa cháy, thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ nhưng vẫn còn những hạn chế về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở khu vực này.


Những ngày đầu tháng 10-2019, theo chân đoàn kiểm tra an toàn PCCC một cơ sở kinh doanh hộp xốp, túi nilon, đồ nhựa... tại Trung tâm thương mại Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), PV Báo CAND ghi nhận, mặc dù chủ cơ sở này quan tâm trang bị bình chữa cháy, mở lối thoát hiểm, nhưng một số bình chữa cháy quá hạn sử dụng; việc thắp nhang thờ cúng vẫn diễn ra.

Bà Trần Ngọc Thắng (chủ cơ sở), giải thích, do việc việc kinh doanh luôn bận rộn, nhà lại đơn chiếc, nên bà quên kiểm tra để thay bình chữa cháy mới. Còn việc thắp nhang thì bà luôn canh coi, đến lúc nhang tàn mới thôi.
Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, kiểm tra an toàn PCCC một cơ sở kinh doanh các vật liệu dễ cháy trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Tại cơ sở vật tư quảng cáo Nguyễn Lê (đường Trần Phú, phường Cái Khế), bà Nguyễn Thị Ngọc Hân (chủ cơ sở), chia sẻ hàng hóa trưng bày tại đây (có nhiều mặt hàng dễ cháy như các loại giấy, bìa carton, nhựa… ) đều là hàng mẫu, còn kho hàng nằm biệt lập ngoài khu dân cư. “Do kinh doanh quy mô nhỏ nên cơ sở chưa chú ý xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ và nhân viên chưa được tập huấn đầy đủ về công tác PCCC”, bà Hân cho biết.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố có hàng trăm cơ sở kinh doanh chất dễ cháy có quy mô nhỏ, vừa nằm xen kẽ trong khu dân cư. Qua kiểm tra nhận thấy, công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cơ sở này còn những bất cập.

Thượng tá Kiều Cao Thiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, cho biết với các cơ sở này, ngoài việc nằm trong khu dân cư, một số các chủ cơ sở còn làm nơi ở của gia đình, nấu ăn… sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi nên khi có cháy xảy ra thì sẽ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng. Mặt khác, do tính chất quy mô nhỏ nên việc tổ chức PCCC còn hạn chế, thiếu phương tiện chữa cháy và chưa thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ.

“Các chủ cơ sở kinh doanh chất dễ cháy trong khu dân cư, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao hơn nữa ý thức PCCC. Chủ động trang bị phương tiện chữa cháy, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC; cho cho nhân viên tập huấn sử dụng thành thạo các trang thiết bị chữa cháy; tập trung xây dựng đội ngũ chữa cháy tại chỗ đủ mạnh, kịp thời ứng phó với tình huống cháy nổ xảy ra, đảm bảo việc sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững”, Thượng tá Thiêm nhấn mạnh.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 13 vụ tại các cơ sở (chiếm gần 30% tổng số vụ cháy trên địa bàn), chủ yếu do nguyên nhân sự cố về điện. Phòng Cảnh sát PCCC đã thực hiện trên 450 cuộc tuyên truyền với hơn 30.000 lượt người nghe; mở 65 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho dân phòng, cơ sở và những người làm trong môi trường nguy cơ cháy, nổ cao. Kiểm tra, lập biên bản gần 3.000 lượt cơ sở vi phạm về an toàn PCCC, ra quyết định xử phạt hành chính 125 triệu đồng…
Đức Văn
.
.
.