Tân Lợi biết làm giàu từ biển

Thứ Hai, 01/10/2018, 08:17
Làng Tân Lợi nằm bên cửa biển, bờ Bắc cầu Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Từ 10 năm nay, ngôi làng được nhiều người biết đến bởi sự giàu có, con em học hành đỗ đạt cao…

Từ Ngã Tư Sòng, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, theo con đường nối về hướng biển, chúng tôi chạy xe máy chừng 12 cây số và chạm ngõ làng Tân Lợi. Làng hiện ra với những dãy nhà cao tầng, bên cửa biển; cạnh cây cầu lừng lững bắc qua dòng sông Hiếu lịch sử, đẹp như tranh vẽ. 

Hỏi về sự giàu có, đi lên của làng, ông Bùi Đình Sành (69 tuổi), nhà ở sát bên cửa biển, hồ hởi nói rằng, người dân nơi đây giàu lên được là nhờ kiên trì bám biển, sáng tạo đổi mới trong phương thức đánh bắt hải sản, mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất cao để vươn khơi xa. 

Từ phương tiện đánh bắt tàu thuyền công suất nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ, đến thời điểm cách đây 5 năm, bà con ngư dân Tân Lợi đã sở hữu đội tàu cá công suất lớn 30 chiếc, mỗi chiếc từ 800-850CV. Ngư lưới cụ cũng hiện đại hơn rất nhiều, bao gồm 3 loại chủ yếu như lưới vây, lưới bùng nhùng, lưới mành chụp, cùng các vật tư, thiết bị kỹ thuật khác phục vụ việc đánh bắt hải sản trên biển. 

Đặc biệt, 5 năm lại đây, sự đầu tư cho nghề biển phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng hơn rất nhiều. Hiện cả làng đã có trên 40 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi chiếc có công suất từ 850-900CV. Thu nhập bình quân hằng tháng lãi ròng của mỗi tàu với khoảng 20 lao động là 2 tỷ đồng.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân làng Tân Lợi.

Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho hay, Tân Lợi là tên làng có từ nhiều thế kỷ trước. Bây giờ nơi này là khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, với tổng số hộ trên 200 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu. Khu phố này có sự phát triển kinh tế biển, chủ yếu đánh bắt hải sản và hậu cần nghề cá, nhanh, bền vững và hiệu quả nhất trên địa bàn và so với nhiều địa phương biển khác trong tỉnh. 

Trong số trên 40 tàu công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại, có tới 4 tàu vỏ sắt của các hộ ông Nguyễn Văn Trọng, Đoạn Văn Dũng, Bùi Đình Huệ, Bùi Đình Trầm, chiếm hơn 1/4 số tàu này của các địa phương có biển khác trong tỉnh. Riêng số tàu này tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động, thu nhập bình quân hàng tháng hơn 20 triệu đồng/người. 

Số tàu công suất lớn vỏ gỗ 38 chiếc còn lại, cũng tạo nhiều việc làm cho bà con lao động ở đây, với tổng cộng ước khoảng 750 người, thu nhập bình quân đầu người hằng tháng cũng rất khá. Số lao động còn lại của địa phương không trực tiếp với biển, chủ yếu làm nghề chế biến, kinh doanh các sản phẩm biển, dịch vụ hậu cần nghề cá. Đa số những hộ dân, lao động này cũng có nguồn thu nhập khá và bền vững. 

“Đơn cử, hộ ông Bùi Đình Sành nhờ vào nguồn thu nhập này mà nuôi 6 người con ăn học đại học. Các con của vợ chồng ông Sành đều đã có công ăn việc làm ổn định, trong đó, em Ngọc làm bác sĩ, em Lợi kiến trúc sư, em Huyền cô giáo… 

Ở khu phố 5, nhờ cha mẹ làm ăn khá giả, con cái có được điều kiện tốt để học hành đỗ đạt, còn có rất nhiều gia đình khác, như gia đình ông Bùi Chí Thanh, Bùi Đình Cam, Bùi Chí Đảo, Bùi Đình Bảo… Những gia đình này đều có từ 4-5 con học đại học và sau đại học, ra trường công tác tại nhiều cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh”, ông Cảm chia sẻ.

Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị phấn khởi nói: “Thị trấn biển Cửa Việt đang là bộ mặt của huyện Gio Linh, khu phố 5 đang là bộ mặt của thị trấn này! 

Nằm bên cửa biển có cảng biển nước sâu, bên con đường Xuyên Á và nhất là gần với TP Đông Hà, rất thuận lợi cho việc giao thương và phát triển du lịch tuyến biển. Con người ở đây lại rất cần cù lao động, hiền lành, chất phác và mến khách. Tin chắc trong một tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một thành phố biển đẹp đẽ, sầm uất nhất của địa phương”.

Thanh Bình
.
.
.