Nỗ lực kiểm soát không để xảy ra dịch tả heo châu Phi tại TP HCM

Thứ Ba, 14/05/2019, 17:22
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xảy ra tại một số tỉnh lân cận (Đồng Nai và Bình Phước), TP Hồ Chí Minh đã tăng cường thêm nhiều chốt kiểm dịch di động nhằm ngăn chặn heo không qua kiểm dịch vào thành phố.

Ngày 14-5, trao đổi với PV Báo CAND, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú ý TP Hồ Chí Minh cho biết, Chi cục đã huy động tất cả lực lượng phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, nhất là heo và sản phẩm từ thịt heo đi trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Trời mưa to gió lớn, cán bộ làm việc tại các chốt kiểm dịch di động gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng khắc phục để kiểm tra không để phương tiện vận chuyển heo chưa qua kiểm dịch vào thành phố.
Công tác kiểm dịch heo luôn được cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú ý TP Hồ Chí Minh thực hiện chặt chẽ.

Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, UNBD TP Hồ Chí Minh vừa quyết định bổ sung các biện pháp ứng phó để chủ động chặn dịch. Đó là thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động trên tuyến cao tốc Dầu Giây – TP Hồ Chí Minh để kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ hướng các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào thành phố; chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động tại khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào TP Hồ Chí Minh hay vận chuyển qua thành phố đi về các tỉnh miền Tây.

Các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố như tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Trung Lương (Tiền Giang), tuyến đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10), chốt khu vực cầu Phú Long (quận 12) giáp ranh với tỉnh Bình Dương… nhằm kiểm soát chặt chẽ sản phẩm từ thịt heo và nguồn heo vận chuyển vào thành phố giết mổ, tiêu thụ.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an thành phố cũng được giao chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển qua tuyến đường sông bằng các phương tiện ghe, thuyền…

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, thời gian qua đoàn liên ngành phòng chống dịch của thành phố vẫn liên tục kiểm tra trên các tuyến đường để xử lý các trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật vi phạm, các chốt kiểm soát 24/24 giờ để chống dịch. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn và giám sát các cơ sở nuôi heo trên địa bàn thực hiện những biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, kể cả các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo.

Rà soát xử lý triệt để các hộ kinh doanh giết mổ heo hoạt động trái phép trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thịt heo, sản phẩm chế biến tại các chợ, điểm kinh doanh, siêu thị... đặc biệt là tại các khu vực ngoại thành. Tổ chức rà soát, chuẩn bị các phương án tổ chức tiêu hủy, vị trí chôn lấp heo sống, sản phẩm thịt heo, các hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.

Heo và phương tiện vận chuyển được khử trùng rất kỹ.

Trong trường hợp phát hiện giết mổ gia súc trái phép, vận chuyển heo sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật. Tăng cường lấy mẫu giám sát vi rút dịch tả heo châu Phi trên thịt heo từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối và các chợ truyền thống.

Các biện pháp xử lý cũng được đưa ra, như đối với trường hợp nếu xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh. Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi. Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn heo bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả heo châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng...

Ngoài ra, thành phố cũng làm việc với các tỉnh trong khu vực có cung cấp nguồn heo sống, sản phẩm thịt heo để xác định những nguồn heo an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố giết mổ tiêu thụ để thống nhất biện pháp kiểm soát đối với nguồn heo an toàn dịch bệnh hoặc sản phẩm thịt heo từ các tỉnh được phép kiểm dịch nhập vào thành phố tiêu thụ.

Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã làm việc với chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh xung quanh để thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch tả heo châu Phi. Như không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt heo từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng có dịch, tăng cường kiểm tra đối với cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng tiếp giáp có xuất nguồn thịt heo về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

 Thiết lập kênh trao đổi, cập nhật thường xuyên diễn biến dịch tả heo châu Phi giữa lãnh đạo các chi cục để phối hợp kiểm soát nguồn heo đưa về thành phố giết mổ đảm bảo đúng quy định. Thống nhất giám sát chặt chẽ nguồn heo về thành phố phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch thể hiện nguồn gốc ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp: xã, huyện, tỉnh. Thống nhất tuyến đường vận chuyển heo xuất về thành phố giết mổ chỉ đi qua quốc lộ 1A và quốc lộ 1K; trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức và Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp.

Trường hợp vận chuyển heo về các tỉnh miền Tây Nam bộ, nếu chủ hàng có nhu cầu đi tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch.

Do đó, theo ông Huỳnh Tấn Phát, người dân yên tâm sử dụng sản phẩm thịt heo đang được bán tại các cửa hàng có chứng nhận của cơ quan chức năng và siêu thị trên địa bàn thành phố.

Người dân yên tâm sử dụng sản phẩm heo sạch tại các điểm bán có nguồn gốc rõ ràng
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý Ban An toàn thực phẩm TP H Hồ Chí Minh, người dân cần hiểu đúng về bệnh dịch tả heo châu Phi (không lây sang người), người tiêu dùng nên ủng hộ heo sạch qua việc mua ở những nơi có nguồn gốc hợp pháp, rõ ràng.
Nhân Sơn
.
.
.