TP HCM nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Đặc biệt, tại quận 9 đã thành lập ngay 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở khu vực cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng gồm: CSGT, thú y, thanh niên xung phong, Công an phường và dân quân tự vệ để kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện.
Đến nay, thành phố đã cấp phát hơn 10.000 tờ bướm tuyên truyền phòng chống dịch và hướng dẫn việc sử dụng thuốc tiêu độc khử trùng; tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm thịt lợn; tại 5 chốt kiểm dịch tạm chắn tại các “cửa ngõ” ra vào TP HCM (giáp ranh các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh) đều có lực lượng kiểm tra 24/24h.
Song song, cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ. Cấp phát hơn 10 tấn vôi bột cho các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn thu gom từ nhà hàng, quán ăn, và cấp phát thuốc sát trùng cho 1.854 hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ (từ 20 con/hộ trở xuống).
Thường xuyên rải vôi, phun thuốc, sát trùng xung quanh chuồng trại, lối ra vào chuồng trại, cố định công nhân chăm sóc, nghiêm cấm khách tham quan vào khu vực chăn nuôi; cấp phát ủng nhựa cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 4.000 bảng cảnh báo gắn trước cổng của các hộ chăn nuôi với nội dung “yêu cầu người đến mua lợn, liên hệ công việc phải mang bảo hộ, sát trùng phương tiện trước khi vào”.
Kiểm soát quy trình giết mổ nghiêm ngặt trước khi đưa vào siêu thị bán. |
Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để kiểm soát, quản lý chặt chẽ bệnh DTLCP, Sở NN&PTNT đã thiết lập nhóm chia sẻ thông tin nhanh qua ứng dụng Zalo gồm: Lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo các quận, huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất giống lợn, để cập nhật những thông tin dịch bệnh và chỉ đạo nhanh các biện pháp phòng chống dịch.
Giao cho UBND các quận, huyện tập trung rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn. TP cũng tăng cường rà soát, cập nhật các hộ nuôi lợn rừng, lợn rừng lai, kể cả của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nuôi để cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, lấy mẫu giám sát chủ động bệnh DTLCP tại chợ truyền thống, chợ tự phát, đặc biệt là các nguồn thịt lợn từ các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh, nguồn lợn không rõ nguồn gốc, cũng như phân công các thành viên Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là việc thực hiện tiêu độc khử trùng, an toàn sinh học.
Tại các hệ thống siêu thị, mặc dù thịt lợn bán ở kênh này được Ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đánh giá là kiểm soát tốt chất lượng hơn kênh truyền thống. Nhưng trước tình trạng dịch bùng phát, để người tiêu dùng (NTD) thật sự yên tâm tiêu thụ thịt lợn, một số siêu thị cũng đã tung lực lượng để túc trực tại các lò giết mổ để giám sát chặt chẽ quy trình.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Giám đốc Quản lý chất lượng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại – Saigon Co.op, cho biết, tại giết mổ của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) ở quận Bình Thạnh có đến gần chục nhân sự của Saigon Co.op túc trực từ 23 giờ để giám sát quá trình khép kín từ giết mổ cho đến vận chuyển bằng xe chuyên dụng về đến siêu thị vào ngay sáng hôm sau.
Lợn đưa vào giết mổ yêu cầu là phải đảm bảo 100% còn sống khỏe mạnh, da sáng, không có biểu hiện bệnh dịch, có đeo vòng truy xuất nguồn gốc đầy đủ, được giết mổ trên dây chuyền đảm bảo vệ sinh, bắt buộc phải có kiểm dịch của thú y và khi xe vận chuyển thịt đến các siêu thị đều phải có niêm phong. Hiện các siêu thị của Saigon Co.op chỉ nhập thịt tươi mảnh lớn và tổ chức pha lóc tại siêu thị chứ không nhập thịt pha lóc sẵn để dễ dàng kiểm soát bệnh dịch.
Nguồn thịt đang bán tại hệ thống của siêu thị chủ yếu nhập trực tiếp từ các đầu mối uy tín, hầu hết đều đạt chuẩn VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc, đang được nuôi tại các trang trại tập trung quy mô lớn được cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt. Mỗi ngày hệ thống bán 40 – 50 tấn/ngày.
Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm TP HCM đã tăng cường kiểm tra các điểm chốt chặn tại các trạm đầu mối giao thông, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ và điểm kinh doanh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Nhiều giải pháp khẩn cấp khống chế dịch tả lợn châu Phi Sáng 12-6, ông Nguyễn Đình Trí – Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại địa phương công tác phòng chống dịch bệnh được gấp rút triển khai ngay trong ngày. Toàn bộ 163 con lợn bị bệnh đã được tiêu hủy bằng cách chôn tại trong khuôn viên Nhà văn hóa phường Phú Hữu. Để cách ly vùng dịch với các địa phương khác, ngay khi phát hiện ổ dịch UBND phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM cũng đã tiến hành lập thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát dịch bệnh không cho lợn trong vùng dịch ra ngoài cũng như từ bên ngoài tuồn vào vùng đang có dịch bệnh, gồm: chốt kiểm dịch cầu Ông Nhiêu và chốt trạm cầu Xây Dựng (phường Phú Hữu). Thượng úy Nguyễn Ngọc Hiếu, cán bộ Công an phường Phú Hữu cho biết: “Các anh em tại mỗi chốt phải thay nhau túc trực 24/24 giờ, làm việc hết công suất để kịp thời phát hiện các xe chở lợn ra, vào vùng dịch. Chiều 11-6, ngay khi chốt kiểm dịch được thành lập, đã xuất hiện một xe tải khả nghi, tổ trực đã lên xe đuổi theo kịp thời và đúng như dự đoán, qua kiểm tra phương tiện trên đã vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch. Tổ trực đã tiếp tiến hành khử trùng, vệ sinh ngay phương tiện tại chỗ tránh dịch bệnh có cơ hội bùng phát, lây lan". Chiều 12-6, Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng đã có công văn khẩn gửi tới các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố, chỉ đạo về việc tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân các cơ sở sản xuất - kinh doanh - chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, các cơ sở tiêu thụ thịt lợn kiên quyết không sử dụng nguồn thịt lợn không nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm, tuyên truyền cho người dân biết "cách lựa chọn thực phẩm tươi sống an toàn" và phòng chống dịch tả lợn châu Phi", tuân thủ "10 nguyên tắc vàng về chế biến thực phẩm an toàn"; khuyến khích nhà hàng, quán ăn sử dụng thịt lợn từ nơi có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc, có kiểm soát của thú y. Tại các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với QLTT, các cơ quan chức năng để cùng giám sát các cơ sở kinh doanh, buôn bán thịt lợn tại các nơi nhất là chợ truyền thống, chợ tạm, chợ tự phát,... giám sát chặt nguồn thịt lợn đưa về từ tỉnh về thành phố tiêu thụ. Huyền Nga |