Sống thấp thỏm bên những vựa phế liệu giữa khu dân cư

Thứ Hai, 05/02/2018, 09:28
Dịp cuối năm, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sống bên cạnh những vựa thu mua phế liệu tập kết lượng lớn phế liệu giữa khu dân cư đông đúc, trong đó có nhiều loại vỏ đạn, pháo sót lại sau chiến tranh, thậm chí có quả đạn vẫn còn nguyên ngòi nổ, dẫn đến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Những ngày này, dọc tuyến QL1A qua địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tấp nập những chiếc xe tải nối đuôi nhau rẽ vào các vựa phế liệu nằm giữa các khu dân cư để tập kết hàng. Qua ghi nhận, do đường sá giao thông thuận lợi nên nhiều năm qua, ở địa bàn các phường như Thủy Châu, Thủy Dương, Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) và một số xã ven QL1A của huyện Phú Lộc đã hình thành hàng chục cơ sở thu mua phế liệu.

Điều đáng nói, vì cơ sở chật hẹp nên những kho, vựa phế liệu nơi đây phần lớn hoạt động trong điều kiện không đảm bảo an toàn về công tác PCCC. Có nhiều cơ sở còn chất phế liệu, giấy báo lên cao, sát mái nhà của các hộ dân bên cạnh, hoặc tràn ra cả lề đường. Nhiều vỏ bom, đạn các loại được thu mua về cũng được chủ cơ sở chất đống ngổn ngang. Anh Hoàng Văn Đăng (40 tuổi, ở phường Thủy Dương) không giấu được sự lo lắng khi căn nhà 2 tầng của gia đình anh nằm sát kho phế liệu đang trong tình trạng quá tải.

“Do nhà nằm cạnh kho phế liệu nên ngoài tiếng ồn khi xe cộ vào ra liên tục để nhập phế liệu thì chúng tôi rất bất an và lo lắng về nguy cơ cháy nổ”, anh Đăng bày tỏ.

Ông Vũ Đức Duy, Chủ tịch UBND phường Thủy Châu cho biết, hiện trên địa bàn có đến 22 cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu nằm dọc tuyến QL1 và giữa khu dân cư, trong đó có gần 10 cơ sở lớn thu gom tất cả các loại phế liệu, kể cả bom đạn sót lại sau chiến tranh. Theo ông Duy, dù địa phương nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở công tác PCCC, nhưng vì chủ quan nên vẫn xảy ra sự cố chảy nổ tại một số cơ sở phế liệu.

Qua khảo sát cho thấy, các phường như Hương Sơ, An Tây, An Đông, Thủy Xuân, TP Huế và ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu tương tự không đảm bảo an toàn về cháy nổ.

Nhiều vỏ bom, đạn sau chiến tranh được các cơ sở phế liệu thu mua, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Cách đây không lâu, cơ sở phế liệu của hộ ông Phan Văn Lợi đóng trên đường Trần Quý Khoáng thuộc tổ 2, KV4, phường Hương Sơ bất ngờ cháy lớn kèm theo nhiều tiếng nổ đã thiêu rụi toàn bộ cơ sở này và ngọn lửa còn lan sang cháy cả ngôi nhà bên cạnh. Nhiều hộ dân ở cạnh đó buộc phải di chuyển đồ đạc ra bên ngoài.

Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều động 4 xe cứu hỏa cùng hàng chục CBCS đến dập lửa, nhưng vì đám cháy quá lớn nên phải mất 2 giờ đồng hồ, vụ cháy mới được dập tắt.

Trước nguy cơ gia tăng cháy nổ vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là các kho phế liệu nằm giữa khu dân cư, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở mua bán phế liệu, công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ, qua đó phát hiện nhiều chủ cơ sở có hành vi vi phạm. Điển hình, cuối tháng 1-2018, lực lượng Công an đã phát hiện cơ sở phế liệu của bà Trương Thị Phương (ở 745 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) thu mua và tàng trữ 35 vỏ đạn các loại, trong đó có 21 vỏ đạn pháo loại 57, 105, 155 ly và 14 quả đạn pháo loại 81 ly, đặc biệt tại cơ sở này còn có một quả còn nguyên đầu đạn.

Ngay sau đó, cơ sở của bà Phương đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi “Mua bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời cơ quan chức năng thu giữ quả đạn pháo để xử lý. Với thực trạng các cơ sở thu mua phế liệu mọc lên như nấm giữa khu dân cư khiến người dân bất an, lo lắng về cháy nổ nên ngoài tăng cường công tác kiểm tra, nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành quy hoạch các kho bãi phế liệu để di dời các cơ sở phế liệu ra khỏi khu dân cư. Song vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Hiện khu quy hoạch dành cho các cơ sở thu mua phế liệu đang dần được hoàn thiện và sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với UBND thị xã vận động các chủ cơ sở di dời kho bãi tập kết phế liệu về tại khu này để các kho phế liệu không còn là những quả bom nổ chậm ám ảnh người dân”, ông Phan Bồng, Phó trưởng Phòng TN&MT thị xã Hương Thủy khẳng định.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2017, địa bàn tỉnh xảy ra 125 vụ cháy (tăng 21 vụ cháy so với năm 2016) làm 6 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trị giá trên 2,8 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ liên quan đến cháy nổ tại các kho bãi phế liệu.

“Để đảm bảo an toàn, không xảy ra cháy nổ tại các cơ sở phế liệu giữa khu dân cư, lực lượng chức năng cần tiến hành rà soát các điểm tập kết phế liệu trên địa bàn, yêu cầu các chủ cơ sở đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi, trang bị đầy đủ các trang thiết bị để đảm bảo quy định về an toàn PCCC.

Ngoài ra, vào dịp cận Tết Nguyên đán như hiện nay, đơn vị cũng sẽ tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở, điểm kinh doanh thu mua phế liệu hoạt động không đảm bảo an toàn, gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”, Đại tá Sơn khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.