Sóc Trăng công bố tình trạng thiên tai

Thứ Tư, 24/02/2016, 16:12

Chiều 24-2, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại do nhiễm mặn trong toàn tỉnh là trên 10.500 ha; trong đó 2.400 ha bị thiệt hại từ 30 - 70%; 600 ha bị thiệt hại hoàn toàn. 

Cùng ngày, UBND tỉnh Sóc Trăng công bố tình trạng thiên tai, đồng thời chỉ đạo xây dựng các phương án phòng chống hạn mặn; triển khai cho các địa phương sửa chữa các cống ngăn mặn; chỉ đạo ngành nông nghiệp thông tin thường xuyên cho các địa phương phòng chống xâm nhập mặn; khuyến cáo không sản xuất vụ 3; đẩy nhanh tiến độ các công trình ngăn mặn; rà soát lại hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian xảy ra hạn mặn.

Một cánh đồng lúa ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) bị chết cháy do hạn mặn

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai những nhiệm vụ cấp bách phòng chống hạn mặn, như: Đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân; chỉ đạo ngành nông nghiệp theo dõi chặt chẽ tình hình, lịch vận hành các cống ngăn mặn, tiếp tục đẩy nhanh các công trình phục vụ phòng chống xâm nhập mặn bức xúc; thống kê diện tích thiệt hại để hỗ trợ cho người dân.

Theo thống kê, địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Long Phú với khoảng 1.092 ha và diện tích thiệt hại hoàn toàn có nguy cơ tăng lên do thiếu nước ngọt tưới. Huyện Trần Đề bị thiệt hại trên 1.000 ha, nhiều nhất là ở các xã Lịch Hội Thượng, Trung Bình.

Sóc Trăng đang đối diện với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay

Các huyện Kế Sách, Châu Thành cũng bị thiệt hại khá nặng do độ mặn tăng đột ngột và trong con nước triều cường vừa qua người dân chủ quan không kiểm tra cống đập, dẫn nước vào đồng ruộng không kiểm tra độ mặn. Riêng huyện Châu Thành có diện tích lúa thiệt hại khoảng 650 ha từ 30 - 70%.

Để ứng phó với tình hình mặn tăng cao và có nguy cơ xâm nhập sâu vào nội đồng, lãnh đạo các ngành và các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp, như: khuyến cáo người dân sử dụng giống chịu mặn tốt; quy hoạch lại sản xuất, vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao, sản xuất từ 3 vụ chuyển sang 2 vụ lúa; bố trí lại lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; củng cố lại bờ bao, tận dụng mùa khô nạo vét kênh mương; tuyên truyền cảnh báo sớm; cơ cấu lại mùa vụ sản xuất, lồng ghép đào tạo nghề để người dân có việc làm trong thời gian nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập…

Về giải pháp lâu dài, cần đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống chống xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn, trữ nước ngọt; xây dựng các hồ chứa nước ngọt bằng giải pháp hợp đồng với các doanh nghiệp khai thác đất mặt. Khi khai thác xong giao lại cho địa phương quản lý, tạo thành các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất cho người dân.

Văn Đức - C.X
.
.
.