Sóc Trăng vật vã trong cơn hạn mặn

Thứ Ba, 23/02/2016, 10:16
Theo số liệu của Chi cục thủy lợi Sóc Trăng, đến ngày 23-2, Sóc Trăng có trên 5.787 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn, ước thiệt hại trên 40 tỉ đồng...

Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, cho biết: Năm 2015, mùa mưa đến muộn hơn so với năm trước khoảng 20 ngày, tổng lượng mưa các nơi trong tỉnh ở mức từ 1.055-1.496 mm, chỉ đạt từ 55,9-92,5% của tổng lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời đoạn. 

Năm 2016, mặn trên địa bàn tỉnh xâm nhập sớm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Theo số liệu, hiện nay xâm nhập mặn đã vào sâu nội đồng ở Sóc Trăng khoảng 65km, cao hơn so với nhiều năm trước. 

Theo số liệu của các trạm, độ mặn ở huyện Trần Đề cao nhất là 27,3‰ (tăng 6,5‰ so với năm 2015), huyện Long Phú là 20,4‰ (tăng 7,7‰), thấp nhất là xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) với 7‰ (tăng 3,7‰). Với con số đó, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đang trình UBND tỉnh công bố thiên tai do ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Chị Ny bên ruộng bắp cải còi cọc do tưới phải nước mặn

Tại huyện Trần Đề, nông dân đang thu hoạch đại trà vụ lúa Đông Xuân, nhưng do nước trên sông rạch cạn kiệt nên khó khăn trong việc đưa máy móc xuống ruộng cũng như vận chuyển lúa khiến cho giá thành tăng cao hơn so với trước. 

Thương lái mua lúa không thể đưa ghe tàu có trọng tải lớn vào tận ruộng nên tình hình tiêu thụ lúa hàng hóa cũng gặp khó khăn khi một bao lúa vận chuyển từ ruộng ra đến đường giao thông lên tới 5.000 – 7.000 đồng. 

Trong khi đó, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên có trên 1.000ha đang thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến năng suất. Trước tình hình trên, xã đã huy động nhiều máy bơm công suất lớn để cứu lúa, nguồn nước được lấy từ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp về nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước cho các ruộng lúa ở xa trạm bơm. 

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, cho biết: “Năm nay do nắng hạn về sớm, mặn xâm nhập sâu, nên việc vận hành cống cung cấp nước cho nông dân lấy nước vào đồng ruộng sớm hơn gần 1 tháng so với những năm trước. Để khắc phục tình trạng này, xã đã chủ động tập trung các máy bơm công suất lớn lấy nguồn nước để cứu lúa”.

Ông Phước đành phải bỏ ruộng lúa chết do hạn, mặn gây ra

Ở huyện Kế Sách, có 11.558ha lúa được xuống giống. Tổng diện tích thiệt hại do mặn xâm nhập của huyện trên 750ha, trong đó thiệt hại dưới 10% hơn 263ha, từ 10% - 30% hơn 470 ha, từ 30%- 70% hơn 6,5 ha. 

Chị Sơn Thị Huỳnh Ny (ngụ phường 5, TP.Sóc Trăng), chỉ vào ruộng lúa đang ngâm mình trong nước mặn, nói: “Lúc đầu cố gắng bơm nước vào với hi vọng cứu được nhưng càng bơm thì lúa càng chết dần nên bây giờ phải bỏ luôn”. Không chỉ lúa bị hư, chị Ny còn có trên 2.000m2 trồng bắp cải đã 45 ngày nhưng do tưới nước bị nhiễm mặn nên “Lớn không nổi. Vụ trước với 2 công này tôi cũng kiếm được hàng chục triệu, còn bây giờ thì coi như mất trắng”. 

Còn ông Liêng Văn Phước (ngụ xã Trường Khánh, huyện Long Phú), cho biết: “Tôi xuống giống trên 8.000m2 lúa nhưng hư hoàn toàn do nhiễm mặn quá sớm. Hồi đầu tôi cũng bơm nước cho lúa nhưng theo dõi thông tin nhiễm mặn trên sông tôi không bơm nữa vì nếu có bơm cũng không cứu được. Thà bỏ luôn từ đầu chịu lỗ 4-5 triệu đồng chứ đeo hết vụ chắc lỗ nhiều hơn nữa”. 

Ông Vũ Bá Quan, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, khuyến cáo: “Để giảm thiệt hại do hạn mặn, trước mắt đối với diện tích bị nhiễm mặn ít thì nông dân tích cực chăm sóc cho lúa mau phục hồi bắng cách bổ sung thêm phân ure, kali, phòng trừ sâu cuốn lá sớm. Bà con thuân thủ đúng kế hoạch lấy nước và trữ nước do ngành nông nghiệp khuyến cáo. Còn với cây màu thì nên áp dụng các biệp pháp tưới nước tiết kiệm.

Không chỉ lúa bị ảnh hưởng, ở huyện Long Phú cũng đã có hàng trăm ha mía đang thiếu nước trầm trọng khiến cho nhiều ruộng mía không thể đẻ nhánh, còi cọc và có nguy cơ bị chết trắng. Nhiều hộ nông dân trồng mía ở xã Long Phú (huyện Long Phú) đang lo vì nước ở kênh có độ mặn cao, không thể lấy vào ruộng mía dù mía đang ở giai đoạn phát triển.

Đồng lúa gần như chết sạch do hạn mặn

Theo kế hoạch, diện tích mía 2015-2016 ở huyện Long Phú khoảng 300 ha, mọi năm đến cuối tháng 3 âm lịch thì toàn bộ diện tích đã xuống giống xong, nhưng hiện nay toàn huyện chỉ mới xuống giống khoảng 30-40% diện tích do nắng hạn và mặn xâm nhập sớm. 

Trước tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành chức năng ở Sóc Trăng chú trọng vận hành công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt đối với các vùng dự án có khả năng ảnh hưởng thiếu nước, xâm nhập mặn. Về lâu dài, nhằm hạnh chế thiệt hại, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành rà soát, có kế hoạch nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh thủy lợi, cống ngăn mặn với tổng kinh phí khoảng 392 tỉ đồng.

Tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn cho tỉnh là 219 tỉ đồng; sớm hỗ trợ cho Sóc Trăng đầu tư dự án tưới trên 6.000ha diện tích hàn tím tại TX.Vĩnh Châu; sớm thành lập Hội đồng quản lý dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp để phối hợp điều hành, quản lý, khai thác và xây dựng hệ thống quan trắc giám sát mực nước, lưu lượng, độ mặn giúp công tác vận hành hệ thống đáp ứng kịp thời phục vụ sản xuất.


V.Đức - C.Xuân
.
.
.