Sẽ không cắt điện dù khô hạn

Thứ Bảy, 16/04/2016, 08:10
Dù huy động thủy điện đang gặp khó khăn do khô hạn nhưng tình hình chung sẽ không cắt điện. Đây là khẳng định của ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Cung ứng điện mùa khô 2016" vừa được tổ chức chiều 15-4.


Ông Đinh Thế Phúc cho biết, dù hiện hệ thống điện đã có dự phòng khoảng 20 - 30%, nhưng do dự báo nguồn huy động thủy điện xuống thấp do khô hạn, nên cuối năm 2015, Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu EVN tính toán, phát dầu từ thời điểm đó và giữ nước cho năm 2016.

“Hằng tháng chúng tôi đều rà soát lại khả năng cung ứng điện. Chúng tôi khẳng định nhìn chung sẽ không có cắt điện do thiếu nguồn. Tuy nhiên trong quá trình vận hành có thể xảy ra sự cố trên lưới điện, nên có thể xảy ra mất điện cục bộ. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là không cắt điện giảm tải để phục vụ cho dân sinh và đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội”  - ông Đinh Thế Phúc khẳng định.

Cục Điều tiết điện lực khẳng định sẽ không cắt điện dù khô hạn.

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền tải điện quốc gia (A0), hiện chúng ta vẫn đang mua điện từ Trung Quốc, nhưng lượng đã giảm rất nhiều. Đặc biệt, năm 2016 cả công suất và sản lượng đều giảm. 

“Trước đây, chúng ta mua điện từ Trung Quốc từ 5 năm đường dây, thì từ 1-1-2016 đã giảm mua từ 3 đường 110kV, chỉ mua từ hai đường 220kV. Việc tiếp tục mua điện Trung Quốc hiện nay chỉ nhằm duy trì kết nối lưới điện khu vực, và quan trọng là có nguồn dự phòng trong những tình huống xấu xảy ra”- ông Khu nói. 

Thêm vào đó, ông Đinh Thế Phúc cũng cho biết: dù chúng ta có công suất dự phòng trên toàn hệ thống, nhưng dự phòng cho từng khu vực một thì khác nhau, và khu vực miền Nam vẫn thiếu điện. Giải pháp để đáp ứng đủ điện cho miền Nam vẫn là tăng huy động từ miền Bắc và miền Trung vào; và tăng nhiệt điện chạy dầu của miền Nam. 

“Có mua điện Trung Quốc hay không thì tùy vào tình huống mà chúng tôi sẽ cân nhắc. Mục tiêu của chúng tôi là năm nay đảm bảo điện cho dân sinh và kinh tế nên chủ trương là không cắt điện, song cũng có thể xảy ra tình huống thiếu điện ở từng khu vực nhỏ, nên chúng tôi đã giao từng tỉnh cân đối và có phương án, nếu thiếu điện cục bộ thì UBND tỉnh phê duyệt để có phương án phù hợp”.

Cục Điều tiết điện lực khẳng định sẽ không cắt điện dù khô hạn. Ảnh: CTV.

Về tình hình cấp nước cho hạ du nhiều khu vực đang ảnh hưởng nghiêm trọng vì khô hạn, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết đã làm việc với một số tỉnh khô hạn và đã yêu cầu “các nhà máy phát thế nào thì phát nhưng phải đảm bảo được nước về hạ du”. 

Cập nhật tình hình ảnh hưởng do hạn hán, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên của Bộ NN&PTNT cho biết hiện tượng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng, đã gây thiệt hại nặng nề và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh ở một số vùng, đặc biệt là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại khu vực Nam Trung Bộ, đã có gần 23.000ha lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa... phải dừng sản xuất do thiếu nước. Còn ở Tây Nguyên, tính đến nay, đã có hơn 87.000ha cây trồng bị hạn; khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 220.000ha lúa bị thiệt hại. 

Ngoài ra, đã có 366.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, trong đó: khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 250.00 hộ, Nam Trung Bộ là 36.600 hộ và Tây Nguyên là 79.400 hộ. Nguy cơ cháy rừng đang ở cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm) và sẽ duy trì trong thời gian dài. 

Dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian sắp tới, ông Hùng cho biết ảnh hưởng tại đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần đến cuối tháng 4. Từ tháng 5, tùy thuộc vào lượng mưa, dòng chảy, nhưng có thể nói là xâm nhập mặn đã qua thời kỳ căng thẳng nhất.

 Ngược lại, Tây Nguyên, Trung Bộ chưa phải là thời kỳ hạn hán đỉnh điểm, và khoảng hơn 1 tháng nữa. Nam Trung Bộ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, hạn hán sẽ kéo dài đến hết tháng 8-2016, khi mùa mưa bắt đầu. 

Tây Nguyên, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước có thể lên tới 170.000 ha, trong đó 150.000ha cà phê. Vùng Nam Trung Bộ, khoảng 54.000ha lúa Hè Thu có nguy cơ dừng sản xuất.

Cục Điều tiết điện lực khẳng định sẽ không cắt điện dù khô hạn.
V. Hân
.
.
.