Sạt lở, xâm nhập mặn đe dọa đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long

Chủ Nhật, 23/08/2015, 10:27
Từ đầu tháng 7/2015 đến nay, dù đã vào mùa mưa nhưng nhiều vùng ngọt hóa ở ĐBSCL bị nước mặn tấn công dữ dội khiến nhiều hộ dân trở tay không kịp…

Hậu Giang là địa phương bị bất ngờ nhất. Nhiều huyện chưa hề có mặn, năm nay cũng “dính đạn”, thiệt hại khá lớn. Xâm nhập mặn đe dọa khoảng 18.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này. Các xã Phương Phú, thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) hàng chục năm qua chưa từng có mặn… thì năm nay bị mặn xâm nhập. Độ mặn có lúc đo được tại thị trấn Trà Lồng (huyện Long Mỹ) là 6,1%o; tại xã Phương Phú, thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) từ 2,6 - 4,4%o; cách thị trấn Búng Tàu 5km về hướng thị xã Ngã Bảy là trên 1,1%o.

ĐBSCL cần nhiều hệ thống cống ngăn mặn, góp phần giảm thiểu xâm nhập mặn vào nội đồng.

Bà Đoàn Thị Đê (ngụ xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp) có gần  800 gốc cam đang cho trái, từ trước tới nay vẫn tưới bằng nước sông Quản Lộ - Phụng Hiệp. Vừa qua, phát hiện nước bị nhiễm mặn nên bà Đê chuyển qua tưới nước máy, nhưng nước máy cũng bị mặn. Chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh này trở tay không kịp. Ông Hồ Thanh Hùng, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã Phương Phú cho biết, do mặn xâm nhập quá bất ngờ nên khi ngành chức năng thông tin thì nước mặn đã len lỏi sâu vào nội đồng qua hệ thống kênh mương…

TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho biết: “Tùy vào giai đoạn và mức độ lên xuống của thủy triều cho ra những con số khác nhau. Tuy nhiên có thể kết luận năm nay nguồn nước ngọt đưa vào ĐBSCL rất là ít. Mặc dù đang mùa mưa nhưng nhiều nơi vẫn bị nhiễm mặn xâm nhập sâu hơn so với những năm trước và thiếu nước ngọt nghiêm trọng”.

Cũng theo TS Lê Anh Tuấn, các viện nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hiện tượng El Nino đang trở lại, nhưng có vẻ chu kỳ của hiện tượng này sớm hơn và khốc liệt hơn. Miền Bắc thì mưa lũ dữ dội, còn miền Nam thì khô hạn. Trước đây biến đổi khí hậu là dự báo xa, nhưng giờ là hiện thực đang rất gần.

Bên cạnh xâm nhập mặn thì nạn xâm thực của sóng biển đã “nuốt” hàng ngàn ha rừng phòng hộ. Theo ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, từ năm 1999 đến nay, Cà Mau bị sạt lở làm mất hơn 4.000 ha rừng phòng hộ. Cà Mau có bờ biển Tây chạy dài 147km và có đến 40km là vùng chịu sạt lở. Trong đó có 17km là đặc biệt nghiêm trọng, thuộc các xã Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), xã Tân Hải (huyện Phú Tân), xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Thời gian qua, để đối phó, Cà Mau đã đầu tư kinh phí hàng trăm tỉ đồng xây dựng hàng chục km bờ kè… 

Kiên Giang hiện có hơn 86.000ha rừng, trong đó còn khoảng 30.700 ha đất rừng chưa có rừng, hiện có khoảng 30km bờ biển đang bị xói lở mạnh. Tỉnh này đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương bổ sung đầu tư nguồn kinh phí cho các chương trình hộ đê, khôi phục rừng phòng hộ ven biển từ nay đến năm 2020. UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt dự án khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí đầu tư hơn 114 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là diện tích rừng trồng trên vùng ven biển đến năm 2020 tăng thêm 519,20ha.

Kiên Giang còn kiến nghị Trung ương xem xét nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho những người dân nhận khoán rừng phòng hộ ven biển; đồng thời xem xét cho tăng diện tích khai thác rừng hàng năm lên 20% để người nhận khoán rừng tăng thêm thu nhập, giúp người dân an tâm giữ rừng, bảo vệ rừng. Trên thực tế, Kiên Giang đã thực hiện giao khoán cho 2.056 hộ dân, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 6.500ha nhằm khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Các hộ dân này nhận khoán rừng đã đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản như: tôm, cua, sò, cá…

Đây được xem là biện pháp hữu hiệu vừa tạo sinh kế cho người dân, giảm thiểu nạn phá rừng vừa khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

Đức Văn
.
.
.