Đồng bằng Sông Cửu Long: Phập phồng lo sạt lở trước mùa mưa

Thứ Hai, 22/06/2015, 06:32
Những ngày qua, tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp xảy ra tình sạt lở đất bờ sông gây thiệt hại về tài sản, làm xáo trộn đời sống người dân. Nhiều hộ dân đang sống trong cảnh phập phồng lo lắng khi mùa mưa đang đến gần, tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp.

Mấy ngày qua, nhiều hộ dân sống cặp bờ đê bao sông Long Hồ (ấp Long Khánh, xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) thấp thỏm lo “chạy Hà Bá”. Chỉ 3 ngày cuối tháng 5/2015, đoạn đê bao dài khoảng 70m, ăn sâu vào đất liền gần 10m bị trôi tuột xuống lòng sông. Vụ sạt lở đã cắt đứt đường giao thông liên ấp và là đê bao phòng chống lũ lụt của xã, buộc 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Do tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp, sáng 27/5, huyện Mang Thít cử cán bộ xuống hiện trường. Đoạn bờ bao cặp bờ sông tiếp tục bị lở sâu và sạt ra phía sông mỗi khi con nước triều cường dâng cao. Nhiều căn nhà của người dân, vách tường bị rạn nứt không có người ở.

Ông Nguyễn Đắc Hưởng rầu rĩ kể: “Hàng rào và sân nhà cả trăm triệu đồng của tôi đã bị trôi xuống sông chỉ trong 2 ngày. Hôm trước (26/5) chỉ sạt lở tới phần tường rào trước của nhà nhưng đến gần sáng đã lở đến nửa sân, chỉ cách nhà vài ba mét. 

Đoạn sạt lở trên đường Võ Tánh (phường Lê Bình) tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt mới.

Tương tự, khoảng 2h30 sáng 18/5, bờ sông Tiền qua địa phận phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bị sạt lở với chiều dài 50m, ăn sâu vào đất liền 15m. Vụ sạt lở đã khiến ao cá với khoảng 1 tấn cá lóc chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Trương Phi Hải (ngụ tại địa phương) trôi ra sông. Bản thân ông Hải cũng bị cuốn ra xa bờ khoảng 40m và may mắn được hàng xóm phát hiện, cứu giúp nên thoát chết.

Xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những xã thường xuyên bị sạt lở. Năm 2011, tỉnh Đồng Tháp khởi công thực hiện công trình kè chống sạt lở ở xã An Hiệp với tổng nguồn vốn hơn 250 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài 4.500m, gồm 7 mỏ hàn và hơn 1.400m kè bờ. Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm, An Hiệp liên tiếp xảy ra 7 vụ sạt lở đất bờ sông, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Đáng nói, những điểm sạt lở lại xảy ra ngay chính các mỏ hàn chống sạt lở. Sáng 10/3, dưới chân mỏ hàn số 7 (thuộc công trình chống sạt lở ở An Hiệp, huyện Châu Thành) bị sạt lở với chiều dài hơn 150m và ăn sâu vào đất liền hơn 70m. Diện tích đất bị mất hơn 1ha, thiệt hại về tài sản khoảng 1 tỷ đồng.

Tiếp đó, từ ngày 11 đến ngày 13/5, tại vị trí mỏ hàn số 3 liên tiếp xảy ra sạt lở, với chiều dài 50m, ăn sâu vào đất liền 20m, buộc hàng chục hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp. Lãnh đạo xã An Hiệp cho biết, trước đây, tình trạng lở đất xảy ra chỉ ở dạng lở bào mòn, lở từ từ nhưng hiện nay phức tạp hơn, sạt lở có thể ăn sâu vào đất liền 100-200m. UBND tỉnh Đồng Tháp công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở đất bờ sông Tiền, đoạn qua xã An Hiệp.

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương bị thiệt hại nặng nề do sạt lở. Toàn tỉnh hiện có đến 40 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố nằm trong vùng sạt lở với tổng chiều dài các đoạn bị sạt lở lên đến trên 30km. Trong năm 2014, tổng diện tích đất bị sạt lở lên đến trên 12 ha, thiệt hại trên 30 tỷ đồng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) phân tích: “Năm nay mùa khô hạn đến sớm làm cho mực nước sông thấp hơn mọi năm nên đất có xu hướng sụp xuống. Các địa phương không nên khuyến khích xây quá nhiều công trình ven sông, nếu có làm thì phải xa bờ. Trồng các loại cây ven bờ như: dừa nước, cây bần, cây đước, cây mắm… để giữ bờ. Ở những điểm sạt lở nặng thì có đánh dấu bảng hạn chế tốc độ để tàu thuyền biết chạy chậm lại”.

Theo nhiều nhà khoa học, việc xây các công trình trên sông vô tình làm thay đổi dòng chảy cũng gây sạt lở. Khi khai thác cát quá mức sẽ tạo ra những hố sâu dưới lòng sông. Phải mất một thời gian dài, những hố này mới được bồi đắp nhờ dòng chảy. Trong thời gian ngắn, những hố sâu này sẽ lấy vật liệu ở bờ để bồi đắp, lâu ngày ở bờ sẽ xuất hiện hàm ếch. Vì vậy, những chỗ có khai thác cát sẽ sạt lở bờ rất nhanh.

Văn Vĩnh
.
.
.