Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân:

Rất khó tìm được nguồn phóng xạ bị mất

Thứ Tư, 06/01/2016, 12:47
Việc mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn đang khiến dư luận hết sức hoang mang. Điều đáng nói, chỉ tính từ cuối năm 2014 tới nay, đã có 3 vụ mất cắp, thất lạc xảy ra, dấy lên lo ngại về thực tiễn quản lí nguồn phóng xạ tại Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học – Công nghệ) đã trả lời báo chí:

PV: Thưa ông, công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn đang được triển khai như thế nào? Đã xác định được thời điểm mất hay chưa?

PGS.TS Vương Hữu Tấn. 

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Ngày 16/12, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân nhận được thông báo của Sở Khoa học – Công nghệ Bắc Kạn về việc mất nguồn phóng xạ Cs-137. Ở thời điểm bị mất, công ty này đang bị phát mãi tài sản và đã dừng hoạt động. Nguồn phóng xạ này được công ty sử dụng để kiểm soát hoạt động xả Clinker, được Cục cấp phép từ năm 2010, sử dụng đến 2013 thì hết hạn. Thời điểm công ty chưa bị phát mãi (trước tháng 3/2015), dù đã hết thời hạn của giấy phép nhưng công ty vẫn không xin gia hạn, mặc dù đã bị nhắc nhở.    

Khi Công an tỉnh xuống lấy lời khai, bảo vệ ở đó xác nhận việc mất nguồn phóng xạ xảy ra cách đây khoảng 2 tháng. Cửa nhà kho đã bị cắt khóa, nguồn phóng xạ chứa trong thùng đã biến mất. Thế nhưng, thời điểm đó, bảo vệ đã không thông báo cho ai. Hiện nay, Cục đã cử đoàn công tác cùng thiết bị lên Bắc Kạn hỗ trợ việc tìm kiếm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn bởi chưa xác định được chính xác thời gian nguồn này bị mất. Có thể nó đã bị mất trước đó rất lâu rồi.

PV: Nếu không thể thu hồi được nguồn phóng xạ thất lạc thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Sau khi bị phát mãi, tài sản của Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn được giao cho ngân hàng BIDV quản lí. Họ phải chịu trách nhiệm quản lí toàn bộ, trong đó có cả nguồn phóng xạ. Nếu nguồn này bị mất trước ngày 31/3, đương nhiên công ty xi măng phải chịu trách nhiệm bởi khi đó chưa bị phát mãi, tức là quyền chủ sở hữu tất cả tài sản vẫn thuộc công ty.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ. Vụ việc tương tự đã từng xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến dư luận lo ngại rằng việc quản lí nguồn phóng xạ ở Việt Nam rất lỏng lẻo. Ông nghĩ sao?

PGS.TS Vương Hữu Tấn:  Hiện nay, các cơ sở tự tổ chức lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh nguồn phóng xạ. Chúng tôi đã kiến nghị, các cơ sở chỉ được lưu giữ nguồn phóng xạ trong 3 năm, sau đó phải chuyển về nơi lưu giữ tập trung. Bộ Khoa học – Công nghệ cũng đã làm việc với Bộ Quốc phòng, thống nhất là sẽ sử dụng các cơ sở của Bộ Tư lệnh hóa học để lưu giữ. Kiến nghị này sẽ được trình tới Thủ tướng để được phê duyệt. Theo kế hoạch, trong năm 2016  sẽ phải khẩn trương thu hồi tất cả các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đặc biệt là những nguồn ở các cơ sở không có điều kiện lưu giữ an toàn để tránh nguy cơ mất cắp, thất lạc.

PV: Thưa ông, khả năng thu hồi các nguồn phóng xạ bị thất lạc có cao không?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Rất ít. Trên thế giới, trong năm 2013 có 137 nguồn bị mất nhưng chỉ thu hồi được 17 nguồn. Điều này cho thấy, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng rất khó tìm lại nguồn phóng xạ bị thất lạc, bởi vì các nguồn này rất nhỏ, thậm chí chỉ nhỏ bằng hạt ngô, hạt đậu.

PV: Nguồn phóng xạ bị mất lần này có nguy hiểm không?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nguồn này thuộc nhóm 5, rất nhỏ, không gây nguy hiểm cho con người ngay cả khi tiếp xúc gần.

PV: Theo ông, người ta lấy cắp nguồn phóng xạ vì mục đích gì?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Tôi nghĩ chủ yếu là bán đồng nát vì giá trị nguồn này rất thấp. Người dân mà biết đó là nguồn phóng xạ thì không ai lấy đâu, bởi mua bán phóng xạ là phi pháp. Chẳng qua người ta thiếu hiểu biết, tưởng là đồng nát thì lấy thôi.

PV: Đứng ở góc độ quản lí Nhà nước, Bộ Khoa học – Công nghệ chịu trách nhiệm như thế nào trước việc liên tiếp xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Sau sự cố mất nguồn năm 2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ đã ra Chỉ thị số 4050 yêu cầu các địa phương điều tra, thống kê các nguồn phóng xạ đang được sử dụng, lưu trữ tại địa phương để có biện pháp quản lí. Trách nhiệm quản lí của Bộ là cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xây dựng các văn bản pháp lí…

Hiện nay, các văn bản pháp lí đều có hết. Tuy nhiên, Bộ cũng không thể đi kiểm tra tất cả các cơ sở trên cả nước mà phải giao cho các địa phương. Tôi cho rằng, việc cần làm nhất hiện nay là tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu, việc mất nguồn là rất nguy hiểm. Nếu là nguồn lớn gây thương vong có thể bị truy cứu hình sự chứ không chỉ là vấn đề dân sự.

PV: Xin cảm ơn ông.

Khánh Vy (ghi)
.
.
.