Quyết tâm không để virus tả lợn châu Phi xâm nhập vào TP HCM

Thứ Bảy, 08/06/2019, 23:55
Cho tới thời điểm này, TP Hồ Chí Minh là một trong 9 địa phương còn lại của cả nước chưa bị dịch tả lợn châu Phi lây lan.


Rất lo lắng vì dịch đã lan rộng nhiều tỉnh, thành, đêm 8-6, đoàn công tác liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh do bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố làm Trưởng đoàn, đã trực tiếp tới kiểm tra, giám sát công tác kinh doanh, vận chuyển thịt lợn từ địa bàn các tỉnh về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. 

Mục tiêu mà thành phố đặt ra hiện nay là thực hiện tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm không để dịch tả lợn châu Phi lây lan vào thành phố.

Đoàn công tác liên ngành do bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Chia sẻ với PV Báo CAND tại buổi làm việc đêm 8-6, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, không thể cho lợn bệnh tuồn vào chợ đầu mối, từ đó sẽ lọt vào bữa ăn của người dân. Đây là điều mà thành phố trăn trở và đang nỗ lực thực hiện. Cho tới thời điểm này, rõ ràng thành phố vẫn giữ vững “trận địa” an toàn. Công tác tuyên truyền - theo bà Phạm Khánh Phong Lan, rất cần vì bệnh dịch virus tả lợn châu Phi khi xảy ra ở đâu thì đều để lại tác động ảnh hưởng, gây hại rất lớn cho người chăn nuôi.

Ghi nhận vào tại đêm 8-6, tại chốt trạm kiểm dịch dã chiến thuộc (ấp Mây Đắng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi), cứ khoảng nửa tiếng có một xe chở lợn từ địa bàn các tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai cập vào và được kiểm tra theo quy trình. Tổ công tác gồm CSGT hỗ trợ dừng xe, cán bộ thú y kiểm tra cảm quan, nhựa niêm phong cửa xe, kiểm tra vòng truy xuất gắn trên chân lợn trước khi cho xe chạy tiếp về chợ đầu mối giao hàng.

Được biết, kể từ khi có dịch virus tả lợn châu Phi lan rộng, thành phố cho lập thêm các chốt trạm kiểm dịch này và hoạt động suốt 24/7. Một ngày chốt làm việc 2 ca, từ 8h sáng tới 20h tối; ca tiếp theo từ 20h tới sáng hôm sau. Tại chốt luôn có lực lượng CSGT hỗ trợ để chặn xe khi nghi ngờ chở lợn lậu, lợn bệnh. Lực lượng TNXP hỗ trợ công tác tiêu độc khử trùng. Từ ngày thành lập chốt cũng chưa phát hiện trường hợp nào chở lợn virus tả lợn châu Phi.

Ghi nhận của PV Báo CAND vào khoảng 24h ngày 8-6, chốt trạm này đã kiểm tra được 32 xe chở lợn từ Tây Ninh về. Giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ. Lợn có đeo vòng truy xuất nguồn gốc đảm bảo theo qui định.

Theo lãnh đạo Ban quản lý ATTP thành phố, tới thời điểm này, "hàng rào bảo vệ" cho nguồn thịt lợn an toàn cho người dân vẫn đảm bảo. Những ngày qua, sức mua thịt lợn tại các chợ đã có phần nhích lên. Người dân đã bớt lo lắng khi mua thịt lợn ăn.

Theo qui trình, sau khi được kiểm tra xong tại chốt trạm kiểm dịch, lợn tiếp tục được đưa vào các lò giết mổ tập trung. Điểm lò giết mổ gần chốt trạm trên là lò giết mổ Xuân Thới Thượng. Từ đây, lợn được phân phối bán về chợ truyền thống, đảm bảo tất cả mọi hoạt động vận chuyển, kinh doanh trong đêm.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền, chúng tôi ghi nhận đoàn đã kiểm tra việc xuống lợn từ các xe, di chuyển lợn vào sạp bán được bà con tiểu thương thực hiện nghiêm túc. Công tác vệ sinh khử khuẩn rất được chú trọng. Các thùng chứa thịt lợn chuyên dụng đều được rửa khử trùng sạch sẽ, xếp ngay ngắn tại khu vực qui định để vận chuyển thịt lợn  theo đúng quy trình đảm bảo. Quy trình kiểm tra trước hết là giấy tờ truy xuất nguồn gốc lợn, kiểm tra dấu niêm phong trên cửa xe chở lợn, và vòng truy xuất nguồn gốc xuất xứ con lợn được giết mổ.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, trên thân lợn được kiểm đúng quy trình đều phải có đủ 3 dấu mộc của cơ quan Thú y chứng tỏ đã được kiểm tra về mặt cảm quan, giấy tờ kiểm dịch. Ngoài ra còn có thêm vòng truy xuất đeo ở chân lợn. Hiện do tình hình dịch đang lây lan, nên có thêm khâu kiểm tra, đó là ngay tại chuồng hộ nuôi, cán bộ thú y sẽ lấy mẫu thường xuyên giám sát virus. Chủ hộ có thêm giấy kết quả xét nghiệm âm tính với virus tả lợn châu Phi, kèm theo lô hàng khi vận chuyển về thành phố trước khi vào lò giết mổ và vào các sạp chợ bán. Thịt lợn nhập về chợ bắt buộc phải có 2 giấy, một là kiểm dịch của thú y để ra khỏi địa bàn tỉnh, và giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus tả lợn châu Phi.

“Với sự nỗ lực của các ban, ngành cùng bắt tay vào cuộc, lượng thịt lợn bán ra tăng lên. Hiện mỗi đêm, chợ đầu mối Hóc Môn là nơi nhập hàng và đưa hàng về chợ truyền thống với tần suất đạt gần 5.000 con/đêm”, ông  Tiển cho biết thêm.

Ông Đoàn Văn Nhất, Đội trưởng Đội quản lí ATTP chợ đầu mối Bình Điền cho biết, cho tới thời điểm này, chưa phát hiện có sản phẩm lợn bị bệnh tả lợn châu Phi lọt vào chợ.

Có một thực tế - theo bà Phạm Khánh Phong Lan, công tác lấy mẫu kiểm nghiệm dương hay âm tính với virus tả lợn châu Phi, hiện không thể làm 100%  mẫu được do quá tải. Cùng kết hợp kiểm tra từ cảm quan, quan sát cho tới lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng chỉ lấy mẫu trên xác suất và thành phố đang cùng các tỉnh thực hiện. 

“Hiện tỉnh lân cận là Long An chưa phát dịch. Đây là điều may mắn cho TP Hồ Chí Minh. Do đó, nếu phát hiện dịch tại bất cứ địa bàn nào, cũng sẽ kiên quyết tiêu huỷ, tránh mầm bệnh lây lan”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết và khuyến cáo: "Nếu như các hộ bị thiệt hại bởi vi rút dịch tả lợn châu Phi thì cũng không nên gây đàn lại ngay mà nên đợi hết hẳn dịch. Vì khi bị dịch, trong môi trường đã có vi rút. Nguồn trữ lợn hiện tại đủ cung ứng cho người dân trong thành phố. Ngành công thương cũng đã có lên phương án dự phòng có thể nhập thịt lợn nhưng cũng cần có thời gian mới tiến hành được. Do các phương tiện, kho lưu trữ hàng hoá trên địa bàn thành phố đã quá tải. Ngoài ra, người dân cũng cần có thói quen sử dụng thịt lợn trữ đông thì mới thực hiện được đề án trên”.

Ban Quản lý ATTP cho biết Ban cũng đang tiến hành xây đề án thành lập chợ thịt lợn an toàn. Thịt lợn bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, điều kiện vệ sinh và ý thức người tiểu thương phải được tập huấn và có trách nhiệm với hàng hoá bán ra. Theo đó, ở cấp quận, huyện và cấp thành phố đều có đoàn liên ngành, thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Trung tâm y tế dự phòng thành phố có nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn dành cho các tiểu thương...

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, do tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhiều tỉnh, thành nên những ngày qua đã xuất hiện tình trạng có những người đi chào mời bà con nông dân ở các tỉnh khu vực miền Tây bán “vaccin” nhằm lừa đảo người nông dân. “Thực tế cho tới thời điểm hiện nay, chưa có vaccin ngừa heo mắc bệnh này”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.