Quảng Bình: Nhiều hộ dân bị sạt lở đến móng nhà do mưa lũ

Thứ Hai, 09/09/2019, 10:02
Ngày 8-9, chính quyền địa phương huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và nhiều hộ dân sinh sống cạnh bờ sông Gianh vẫn đang tìm giải pháp tối ưu để di dời, đảm bảo an toàn cho các hộ dân vì bị sạt lở nghiêm trọng.


Có mặt tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, chúng tôi thực sự bàng hoàng khi chứng kiến cả một đoạn bờ sông Gianh dài sạt lở, ăn sâu vào tới nhà dân.

Theo phản ánh của người dân địa phương, sau đợt mưa lớn vừa qua, nhiều hộ dân sinh sống dọc bờ sông Gianh ở Đức Hóa đã thấp thỏm lo sạt lở. Một vài hộ sát bờ sông đã tạm di chuyển đến nhà người thân ở nơi khác để đề phòng, còn hàng chục hộ dân vẫn bám trụ vì nghĩ nhà còn ở cách xa bờ sông. Nhưng sáng 6-9, sau khi thức dậy, mọi người mới tá hỏa thấy nước mép sông đã vào tận nhà mình do sạt lở.

Trong khi người dân chưa biết tính toán thế nào “đi chưa được, ở không xong” thì sạt lở tiếp tục ngoạm vào tận chân cầu thang, móng nhà, làm nhiều nhà chênh vênh bên bờ vực của sông, người dân đành phải kéo nhau bỏ chạy. 

Sau đợt mưa lũ, nền đất ven sông Gianh chảy qua khu vực xóm Kinh Trừng bị rạn nứt rất lớn. Vết nứt lan nhanh làm sụt nhiều nương vườn của bà con. Đến hôm nay thì sạt lở khoét sâu vào tới nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân, mái hiên cùng nhiều vật dụng của các hộ gia đình đã bị nhấn chìm.

Ông Võ Đức Trường - Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, cho biết, sạt lở nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân, nhiều ngôi nhà có nguy cơ bị sụp xuống sông. Trước mắt, chính quyền địa phương đang tìm phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo ông Trường, sạt lở bờ sông Gianh qua xóm Kinh Trừng có chiều dài hơn 100m, điểm sâu nhất tính từ mặt sông vào 20m, độ cao gần 15m.

Qua tìm hiểu tại địa phương chúng tôi được biết, tình trạng sạt lở bờ sông Gianh qua địa bàn xã Đức Phú đã xảy ra vài năm trước. Nhiều hộ dân đã tự nguyện dùng đất, đá xây kè để bảo vệ vườn, nhà nhưng sức người có hạn, và sạt lở vẫn liên tục diễn ra nuốt trọn nhiều diện tích canh tác, hoa màu của bà con. Sau đó, người dân đã phản ánh đến chính quyền địa phương và tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư xây dựng kè dọc bờ sông để bảo vệ cuộc sống và tài sản cho người dân.

Điều đáng nói, mặc dù dự án đã được triển khai, song không hiểu sao đơn vị thi công sau khi khởi công chỉ xây dựng một vài đoạn rồi bỏ dở chừng cho đến nay, vì vậy những đoạn sạt lở đều nằm trong dự án đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa có một mét kè sông nào được xây dựng? Được biết, xã Đức Hóa có nhiều đoạn bị sạt lở nặng, riêng 2 thôn Đức Phú 1 và Đức Phú 2 đã có gần 50 nhà dân bị sạt lở ăn sâu vào sát nhà.

Sông Lam
.
.
.