Quản lý mạng xã hội: Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Thứ Hai, 09/10/2017, 09:35
Tại Việt Nam hiện đang có 2 loại mạng xã hội (MXH), một là của các doanh nghiệp trong nước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép, hai là MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam và đang có nhiều người Việt Nam sử dụng như Facebook, Youtube…

Trong đó, riêng Facebook, đã có hơn 48 triệu tài khoản và hơn 30 triệu người online thường xuyên mỗi ngày. Điểm tích cực của các MXH là đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng về tính chia sẻ, tương tác và kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, do loại hình này phát triển quá nhanh nên việc quản lý vẫn chưa theo kịp.

Luật hóa các hành vi vi phạm trên mạng xã hội

Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết: Quản lý MXH đang là thách thức chung mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh MXH đang trở thành nơi phát tán tin sai sự thật, tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt. MXH cũng đang trở thành nơi nở rộ các hành vi thiếu văn hóa, xúc phạm tổ chức, cá nhân; là môi trường tốt cho các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, kinh doanh các mặt hàng cấm, các mặt hàng trốn thuế, lừa đảo; là nơi để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nhà nước, kích động khủng bố, hận thù dân tộc, chia rẽ, ly khai… 

“Có những thông tin đúng đắn, hợp lý được cộng đồng chia sẻ, cảm thông, được cơ quan chức năng trách nhiệm xử lý kịp thời, nhưng bên cạnh đó, có những thông tin lại được chia sẻ một cách quá vội vã, chưa đúng sự thật. Đáng quan ngại hơn, không ít trường hợp người dùng MXH chia sẻ những thông tin thất thiệt, bịa đặt, thậm chí cắt ghép không đúng bản chất vấn đề đã gây hoang mang trong đời sống nhân dân, gây thiệt hại cho không ít tổ chức, cá nhân... 

Các yếu tố tiêu cực này ngày càng nghiêm trọng hơn khiến cho nhiều quốc gia, kể cả Mỹ-nơi sinh ra MXH và châu Âu, nơi đề cao tự do internet, cũng đang đặt ra việc phải quản lý MXH nhằm đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng và an ninh quốc gia”- lãnh đạo Cục Phát thanh- Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, tại Việt Nam, hiện các hành vi vi phạm trên MXH đều được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Một là xác định được chủ thể và hai là không xác định được chủ thể do tính chất ảo trên MXH. 

Trong đó, đối với hành vi xác định được chủ thể, nếu đó là công dân Việt Nam thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, tùy vào mức độ vi phạm, chủ thể vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Còn đối tượng vi phạm là người nước ngoài thì phải xử lý theo hình thức không xác định được đối tượng và phải phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhằm ngăn chặn. 

Ngoài ra, đối với các hành vi không xác định được đối tượng nhưng có nguy cơ vi phạm pháp luật Việt Nam thì cơ quan quản lý cũng phải phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ. Thông tư 38 được Bộ TT&TT ban hành cuối năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam trong việc xử lý vấn đề này. 

Ngay sau khi Thông tư có hiệu lực, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, trong đó đáng chú ý là các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook đều đã hợp tác với cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc gỡ bỏ các thông tin vi phạm và từ đầu năm 2017 đến nay đã gỡ bỏ hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm.

Quản lý MXH đang là bài toán khó đối với nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa: Hà Vân)

Áp dụng thuật toán tiền kiểm đối với thông tin xấu, độc

Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, vì MXH có những đặc thù riêng nên hiện tất các nước trên thế giới đều đang phải đối mặt với bài toán hậu kiểm chứ chưa thể tiền kiểm được. 

Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình một phút, Youtube có khoảng 400 giờ video được đăng tải lên trên toàn thế giới, Facebook cũng có hàng triệu lượt tin, đây đều là những con số khổng lồ mà không có lực lượng nào có thể kiểm duyệt hết được. 

Bên cạnh đó, thuật toán của các MXH, đặc biệt là MXH nước ngoài đa phần là hậu kiểm, chủ yếu dựa vào sự cảnh báo của cộng đồng người sử dụng. Ngoại trừ một số hình ảnh khiêu dâm, khủng bố, xâm hại trẻ em được ưu tiên tiền kiểm song trên thực tế vẫn bị lọt.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do cho biết: Hiện nay, đối với các MXH trong nước, Bộ TT&TT đã có văn bản pháp luật yêu cầu tăng cường kiểm duyệt nội dung thông tin, tránh thông tin vi phạm, phát hiện là phải gỡ bỏ ngay. 

Đối với các MXH do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, do chênh lệch về múi giờ, quy định pháp luật của các nước nên Thông tư 38 cho phép tối đa sau 48 giờ phải gỡ bỏ khi nhận được yêu cầu. Trong khi đó, về tiền kiểm, do hạn chế của công nghệ nói chung, Bộ TT&TT cũng đang có giải pháp yêu cầu Facebook và các MXH trong nước nghiên cứu áp dụng thuật toán tiền kiểm đối với các thông tin xấu, độc, cụ thể như xây dựng bộ lọc từ tương tự như bộ lọc hình ảnh mà Facebook, Google đang làm nhằm hạn chế thông tin xấu, độc. 

Đồng thời, xây dựng quy tắc ứng xử trên MXH nhằm nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trên MXH cũng như nghiên cứu thay đổi một số quy định trong quản lý internet để phù hợp với xu thế xã hội, trong đó có MXH. 

Đặc biệt là kêu gọi sự chung tay của cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng và cả hệ thống chính trị cùng nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, cùng chung tay phát hiện và tham gia xử lý các thông tin xấu độc, hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục. 

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đang đề xuất phối hợp với một số bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an trong việc thực hiện và xử lý các thông tin vi phạm. Việc phối hợp này nhằm phân định rõ trách nhiệm và cơ chế thúc đẩy sự phối hợp rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để xử lý kịp thời các hành vi biến tướng. 

“Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, giải pháp nâng cao ý thức của các cấp các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất, bởi chỉ khi nào mỗi người đều tự giác dùng MXH một cách văn minh thì mới đẩy lùi được cái xấu, cái sai lệch”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.