“Quà tặng cuộc sống”

Thứ Hai, 26/02/2018, 08:11
Ngày 24-2 và cũng là ngày mùng 9 Tết, bé Hải An, 7 tuổi, học sinh lớp 2A6 Trường Tiểu học Tân Mai, Hà Nội được tiễn biệt bởi những cô bé, cậu bé cùng trang lứa, những người thân và cả người lạ. Họ đến để đưa cô bé về với thế giới bên kia trong yêu thương và trân trọng.


Trước khi rời bỏ cõi tạm, cô bé thiên thần đã di nguyện tặng lại cuộc sống này đôi giác mạc, để rồi đây món quà ánh sáng sẽ được thắp lên cho hai người phải sống trong đêm đen.

1.Tiết trời đang xuân, với mưa phùn lất phất, cỏ cây hoa lá đang nảy mầm, nhú những chồi non. Tiết trời xuân cũng làm cho lòng người phơi phới, trần ngập xuân sắc. Vậy nhưng, có một thiên thần phải rời bỏ cuộc sống, có người bố, người mẹ phải rơi giọt lệ tiễn biệt con yêu.

Không bút nào tả xiết nỗi đau này, không lời nào nói hết sự tiếc nuối này… Nhưng, cũng chính trong sự đau đớn nghẹn ngào này, người ra đi rất thanh thản, người ở lại ấm lòng. Đó là hành động, tình nguyện hiến tặng hai giác mạc của bé Hải An. Là trái tim nhân hậu của những người sinh thành của bé. Là sự trân trọng của ngành y tế đối với người tình nguyện hiến mô, tạng, cơ thể người nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay. Là sự lay động tâm can đến cộng đồng…

Được biết, bé Hải An phát hiện bệnh nặng từ năm ngoái. Bé đã nỗ lực chống đỡ bệnh tật. Người thân đã luôn sát cánh cùng bé trong hành trình giành lại sức khỏe. Các bác sỹ điều trị cũng đã rất cố gắng. Nhưng sự ra đi của bé đã không tránh khỏi.

Mẹ bé là một bác sỹ, hẳn là chị đã cùng con trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của bé, truyền cho con sức mạnh và tình yêu cuộc sống. Tuyệt vời hơn nữa là chị đã dạy con biết yêu thương và trao tặng. Và con gái chị - Thiên thần Hải An đã tặng lại cho đời món – “Quà tặng cuộc sống” – Một món quà vô giá với cuộc đời này.

2. Tôi được biết đến tên gọi “Quà tặng cuộc sống” vào khoảng năm 2000, khi còn là cô phóng viên thử việc. Đây là tên được ghi trên tấm thẻ do Ngân hàng mô, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác lúc đó trao cho những người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng.

Tấm thẻ có kích thước như chứng minh nhân dân, rất tiện để những người tình nguyện mang theo bên mình. Không ai mong muốn bệnh tật, rủi ro đến với mình nhưng đây cũng là điều không thể không xảy ra. Và nếu xảy ra thì việc được hiến tặng những bộ phận cơ thể đã hỏng hóc, phải bỏ đi của mình để cứu người là việc làm rất ý nghĩa. Hồi đó, tôi được bác sỹ Ngọc, bác sỹ Thái cho xem rất nhiều đơn đăng ký của người tình nguyện và vô cùng trân trọng việc làm tiến bộ của họ.

Cũng thời điểm này, những định kiến của xã hội còn rất nặng nề và chưa có Luật Hiến mô, tạng nên việc tiếp nhận những món quà đặc biệt này của cán bộ Ngân hàng mô cũng rất khó khăn. Ngày 29-11-2006, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đây là căn cứ pháp lý, bước đầu gỡ khó cho việc Hiến mô, tạng… Nhưng còn một thứ mà không có luật pháp nào có thể quy định, ép buộc, đó là sự tự nguyện. Và đây chính là việc khó khăn nhất.

Tôi đã từng đi cùng cán bộ Ngân hàng giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương); cùng bác sỹ, giảng viên bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y đến thăm và tri ân những người hiến giác mạc, bộ phận cơ thể, hiến xác. Từ đây, tôi phần nào tận mắt nhìn thấy thành quả của những người làm việc ở những “ngân hàng” đặc biệt và tiếp nhận những “món quà” cũng rất đặc biệt.

Và có một điều đặc biệt khác, nếu chỉ có những người “tặng quà” vốn đã về thế giới bên kia rồi thì không đủ, mà còn phải có người thân của họ. Bởi người đã về trời, không thể tặng “quà” mà cần người thân của mình giao “món quà” cho cơ quan y tế. Thế nên, ngoài tri ân những người đã tặng bộ phận cơ thể mình hoặc hiến xác, còn phải nói lời cảm ơn chân thành đến người thân của họ.

3. Những thành tựu về ghép giác mạc, thận, gan, tim gần đây của y học nước nhà cho thấy sự tiến bộ của khoa học y tế của nước ta. Việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người cũng dần được nhiều hơn. Bộ Y tế hiện đã thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về hiến mô, tạng, cơ thể người.

Người hiến tặng có thể đăng ký tại cổng thông tin điện tử của Trung tâm này. Tuy nhiên, với những con số người bệnh cần ghép giác mạc, thận, gan, tim… rất lớn đang chờ tiếp nhận những món quà đặc biệt từ những người không may mắn phải chia xa cõi trần cho thấy, những món quà này vẫn còn quá ít ỏi.

Hành động của thiên thần Hải An không chỉ đem lại nguồn sáng cho hai người mắc bệnh về mắt, mà còn là ánh sáng kỳ diệu lan tỏa trong cộng đồng, để những “Quà tặng cuộc sống” được cho và nhận nhiều hơn.

Cao Hồng
.
.
.