Phương thức cai nghiện tập trung khó đem lại kết quả mong muốn

Chủ Nhật, 13/11/2016, 10:59
Chỉ trong thời gian ngắn, đã liên tiếp xảy ra các vụ học viên tại các cơ sở cai nghiện tập trung, có hành vi gây rối, đập phá, trốn ra ngoài. Từ các vụ việc trên cho thấy, công tác quản lý tại các cơ sở cai nghiện đang còn nhiều vấn đề tồn tại.


Trong chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này, PV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm.

PV: Thưa Thứ trưởng, liên quan đến một loạt vụ học viên cai nghiện có hành vi đập phá, gây rối trốn trại ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, ông đánh giá nguyên nhân các vụ việc bắt nguồn từ đâu?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Ngay sau khi xảy ra vụ học viên trốn ra ngoài tại Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Đào Ngọc Dung đã có mặt tại Đồng Nai thị sát tình hình, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và khắc phục hậu quả.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc học viên cai nghiện bỏ trốn tại một số Cơ sở cai nghiện tập trung thời gian gần đây, đặc biệt là vụ học viên liên tiếp “vượt rào” tại cơ sở cai nghiện Xuân Phú (Đồng Nai) là do cơ sở vật chất hạn chế, số lượng học viên quá đông so với sức chứa của cơ sở (khả năng tiếp nhận 800-900 học viên, nhưng tại thời điểm xảy ra vụ việc có tới 1.481 học viên), phần khác do tâm lý manh động của một số học viên từng có tiền án, tiền sự.

Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Nguyễn Trọng Đàm.

Hiện nay, phần lớn những người được đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc về tâm lý và nhận thức đều chưa hoàn toàn tự nguyện mà thường cho rằng mình “bị bắt đi cai” nên lúc nào cũng có tư tưởng muốn thoát ra. Bên cạnh đó, việc sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp có xu hướng tăng nhanh.

Theo phân loại tại các tỉnh phía Nam có các cơ sở cai nghiện tập trung, thống kê được 80% học viên từng sử dụng ma túy đá - loại ma túy gây ảo giác, rối loạn sức khỏe tâm thần, hoang tưởng  nên dễ bị kích động mạnh.

Lợi dụng tâm lý đó, một bộ phận người nghiện là những đối tượng “cộm cán” trong các cơ sở đã tìm cách kích động, xúi giục dẫn đến việc nhiều học viên phá phách, gây náo loạn rồi bỏ trốn…

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng như thế, một phần cũng bắt nguồn từ công tác quản lý tại các cơ sở cai nghiện tập trung hiện nay, Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý kiến này?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Ý kiến đó cũng có phần đúng, nguyên nhân sự việc như tôi đã nói ở trên. Bên cạnh việc quá tải, cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện đã xuống cấp trầm trọng; cán bộ của cơ sở còn thiếu, phần lớn chưa được đào tạo và thiếu các kỹ năng tư vấn về pháp lý và tâm lý, đặc biệt là nghiệp vụ điều trị rối loại tâm thần do sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp.

Lấy ví dụ, tại Cơ sở cai nghiện Xuân Phú, Đồng Nai, có gần 100 nhân viên (khoảng 40 làm nhiệm vụ bảo vệ) đang phải tiếp cận và quản lý hơn 1.400 người nghiện.

Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chăm sóc y tế… đáp ứng nhu cầu cai nghiện gắn với phục hồi chức năng cho người nghiện,  cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân viên, đặc biệt là tư vấn viên cần phải được nâng cao hơn, để giúp học viên nhận thức đúng đắn việc cai nghiện tập trung…

PV: Có một vấn đề đang được nhắc đến rất nhiều hiện nay là hiệu quả của việc cai nghiện tại các cơ sở cai nghiên tập trung. Vấn đề này, Bộ LĐ- TB&XH sẽ  xem xét như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Thực tiễn chứng minh, phương thức cai nghiện tập trung khó đem lại kết quả mong muốn, hầu hết các đối tượng sau cai nghiện bắt buộc, trở lại cộng đồng đều tái nghiện.

Do đó, về lâu dài, chúng ta phải đổi mới phương thức này theo hướng cai nghiện tại cộng đồng bằng các giải pháp y tế và xã hội. Sử dụng các loại thuốc thay thế như Methadone dù chưa được như mong muốn, nhưng hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp cũ.

Thống kê cho thấy, hơn 45% người sử dụng Methadone ở cộng đồng sau 2 năm không quay lại sử dụng ma túy. Nhưng dù là đối tượng nào thì việc nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện cũng phải được chú trọng.

Để học viên yên tâm khi điều trị, các cơ sở cai nghiện phải giúp họ hiểu được cai nghiện là biện pháp giúp đỡ, là chữa bệnh chứ không phải bị quản thúc, giam hãm. Nếu học viên mang suy nghĩ bị “giam hãm” thì sẽ luôn nung nấu tư tưởng không hợp tác, lợi dụng sơ hở để gây rối.

Do đó, cán bộ tại các cơ sở cai nghiện phải có thái độ thân thiện khi trợ giúp chứ không đơn thuần chỉ là quản lý. Cần gần gũi, chia sẻ, tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học viên.

PV: Từ các vụ việc xảy ra liên tiếp như thế, công tác quản lý tại các Cơ sở cai nghiện tập trung cần phải được điều chỉnh như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Trước hết, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về hiểm họa ma túy và chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy tới các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức nội dung đa dạng, phong phú.

Nhất là tuyên truyền, giáo dục đối với người nghiện ma túy hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và nội quy, quy chế tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Chính vì vậy rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Đối với  học viên khi vào Cơ sở điều trị, phải được giải thích nâng cao nhận thức rằng họ vào đây được giúp đỡ chứ không phải vào đây bị quản thúc, bị quản lý, bị giam hãm. Nếu còn tư tưởng đó, thì lúc nào ở trong lòng họ cũng nung nấu không hợp tác. Bên cạnh đó, các cơ sở cai nghiện phải nâng cao được năng lực khi tiếp nhận học viên.

Sau đó, tham vấn, tư vấn, làm việc được với từng trường hợp và quản lý, hiểu được hoàn cảnh của học viên, làm tốt công tác phân loại nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của học viên ngay từ khâu tiếp nhận. Cùng với đó, cần tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ, cán bộ cơ sở cai nghiện phải thân thiện, là người trợ giúp, chứ không phải là người quản trị, quản lý.

PV: Về lâu dài không để các sự việc như vừa xảy ra, theo Thứ trưởng, ngành LĐ - TB&XH cần phải làm gì?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Hiện nay, chủ trương cai nghiện bắt buộc chưa nhận được sự đồng thuận, chấp hành từ người nghiện.

Học viên chưa hiểu đó là quyền lợi, chính sách của Nhà nước giúp họ tránh được ma túy, trở về cộng đồng. Ngược lại, họ vẫn nặng nề tư tưởng, luôn có thái độ bất hợp tác, không tuân thủ quy trình trị liệu dẫn đến cai nghiện không hiệu quả.

Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu: “Chỉ những trường hợp cần thiết mới đưa vào cai nghiện bắt buộc, phải phân loại ra từng khu để có giải pháp phù hợp”. Cơ sở cai nghiện phải cải thiện điều kiện ăn ở, học tập, sinh hoạt để học viên thấy thật sự thoải mái. Điều này sẽ giúp họ thay đổi nhận thức, hành vi nhằm quyết tâm cai nghiện.

Bên cạnh đó, các địa phương phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhất là lực lượng Công an phải luôn sẵn sàng để đảm bảo an ninh, trật tự. Đối với những kẻ cầm đầu, kích động cần phải sàng lọc, xử lý, thậm chí là truy tố để răn đe. Để tránh quá tải các cơ sở, Bộ LĐ -TB&XH đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm người cai nghiện bắt buộc, hướng chuyển chủ yếu sang cai tại cộng đồng.

Muốn làm được điều này, các địa phương khi lập hồ sơ phải phân loại, xác định được nơi cư trú của người nghiện, chỉ xác định được rõ những người nghiện lang thang không nơi cư trú rõ ràng, mới xét đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung.

PV: Theo Thứ trưởng, các quy định liên quan đến quản lý cai nghiện hiện nay cần phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với thực tế?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Về mặt luật pháp, sau khi Quốc hội ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành các Nghị định 111, 221/NĐ-CP hướng dẫn xem xét, lập hồ sơ để đưa người nghiện về cai nghiện tại cộng đồng, xã phường hay đưa qua tòa án để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn còn nhiều bất cập.

Việc tổ chức cơ sở để tiếp nhận các cơ sở không đủ điều kiện vật chất hoặc nhân lực để làm việc này. Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh bố trí cơ sở xã hội và tổ chức tiếp nhận họ trong thời gian lập hồ sơ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các địa phương sử dụng một phần Cơ sở giáo dục dạy nghề, lao động và xã hội, để làm cơ sở tiếp nhận xã hội.

Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xây dựng quy chế hoạt động của các cơ sở cai nghiện. Thực tế, có địa phương xây dựng được, nhưng còn nhiều  địa phương chưa xây dựng được quy chế.

Đây cũng là những bất cập về mặt văn bản. Chúng tôi cho rằng tiến tới còn một số vấn đề về luật pháp cũng phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, ví dụ như Luật Phòng chống ma túy với Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần được nghiên cứu, sửa đổi phù hợp, thống nhất trong công tác quản lý cai nghiện…

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.