Phú Yên nỗ lực giải tỏa“cơn khát” nước sinh hoạt

Thứ Ba, 02/06/2020, 08:16
Nắng nóng kéo dài khiến cho nhiều nơi ở Phú Yên khô hạn nghiêm trọng, nhiều dòng sông, suối đã cạn đến mực nước chết, thậm chí một số sông, suối cạn khô trơ đáy. Người dân một số làng quê đang đối mặt với nguy cơ “khát” nước sinh hoạt.


Nhiều nơi khô khát

Trong nắng trưa tháng Sáu, nhiều nhóm người tất bật đi về phía suối Hà Lan ở núi Hòn Táo, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa để vét từng vốc nước từ những hầm hố đào dưới lòng suối, trên lưng họ là chiếc gùi tre chứa hàng chục chai nhựa.

Ông Rơ Chăm Y Phúc, Trưởng thôn Độc Lập B, xã Ea Chà Rang cho biết: “Suối Hà Lan cung cấp nguồn nước cho 335 người dân ở 83 hộ gia đình trong thôn này, nhưng nắng hạn kéo dài, suối khô nước, người dân phải đào hố dưới lòng suối để vét mạch nước ngầm”. 

Người dân thôn Độc Lập B, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa vét từng chai nước từ dòng suối Hà Lan.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang – ông Kpá Y Phúc bày tỏ: “Mùa khô năm nào, hàng trăm gia đình ở đây cũng vấp phải khó khăn về nguồn nước sinh hoạt vì tất cả giếng đào đều cạn kiệt. Đầu năm nay địa phương đã khoan 3 giếng nước sâu hơn 70m nhưng đều nhiễm phèn nên người dân phải ra suối, nhưng suối cũng khô cạn”. 

Bà Mí Mai – một người dân ở thôn Độc Lập B tâm sự: “Ngày nào cả nhà cũng thay nhau ra suối vét nước từng chai nhựa gùi về nhà cho người và súc vật rồi mới tắm cho lũ nhỏ”.

Không riêng Ea Chà Rang mà nhiều thôn xóm ở các xã Sơn Hội, Sơn Long, Sơn Định, Phước Tân, Cà Lúi đều… “khát” nước. Trong số đó, xã Sơn Định khô hạn khốc liệt như chảo lửa, giếng nước khô cạn. 

Ông Nguyễn Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết: “150 hộ gia đình ở đây đang thiếu nước sinh hoạt, nắng hạn kéo dài thêm nhiều ngày nữa thì tình trạng thiếu nước sẽ lan rộng đến nhiều thôn xóm”. 

Ông Dương Văn Hòa, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Sơn Định chia sẻ: “Hàng chục năm nay, mùa khô nào cũng hạn hán, trong số 222 hộ gia đình ở đây có 60% căn nhà lắp đặt máng thu gom nước mưa vào bể chứa để sử dụng trong mùa khô, nhưng do dung tích bể chứa không lớn nên không tránh khỏi tình trạng thiếu nước vì 58 giếng đào và hơn chục giếng khoan trong thôn đều cạn khô”. 

Bà Lê Thị Kim, một người dân ở thôn Hòa Bình bày tỏ: “Nhà tôi xây bể chứa 5m3 nhưng mới đầu mùa khô lượng nước tích trữ trong bể đã hết sạch, nên phải mua nước nơi khác vận chuyển đển bán 60.000 đồng/m3. Quá tốn kém nên cả nhà mang quần áo, chăn, mùng đến thôn Hòa Ngãi tìm nguồn nước suối còn lại để tắm, giặt, nhưng gần đây suối cũng cạn kiệt”.

Rời huyện Sơn Hòa, chúng tôi đến xã Ea Bar – nơi được coi là tâm điểm hạn hán ở huyện Sông Hinh. Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Trinh cho biết, phần lớn người dân ở đây là đồng bào Êđê, Tày, Dao, Nùng, trước kia họ sử dụng nguồn nước sông, suối, từ năm 2014 mới có giếng nước, nhưng do địa hình đồi dốc, nắng hạn gay gắt kéo dài khiến cho giếng đào ở đây đều cạn kiệt nên người dân phải ra sông, suối tìm nước sinh hoạt”. 

Ông Y Tin, trú ở buôn Thứ bày tỏ: “Giếng đào của gia đình tôi sâu 12m nhưng đã khô cạn hơn ba tháng nay. Nước dành cho ăn uống phải đi xin ở buôn làng khác hoặc mua từng bình theo túi tiền có được, còn tắm, giặt thì phải tìm nước suối”. Tương tự, người dân ở buôn Mùi, xã Ea Trol, phải đi vài cây số để “cõng” nước suối Ea Bắc về nhà sinh hoạt vì toàn bộ giếng đào đều khô đáy.

Tập trung các biện pháp giải cứu hạn hán

Ngày 11/5, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn gây ra thiếu nước sinh hoạt năm 2020, cùng với việc chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm; tập trung nạo vét, đào sâu thêm giếng đã có, tổ chức vận chuyển, chia sẻ nguồn nước cho những vùng khó khăn… 

Phú Yên đầu tư 61 giếng khoan, 68 giếng đào, 52 túi chứa, bồn chứa nước dự trữ, kết hợp sửa chữa một số công trình chống hạn, vận chuyển nước cung cấp cho những khu vực không thể đào, khoan giếng mới.

Ngoài phương án của tỉnh, thời gian gần đây các địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách kết hợp vận động xã hội hóa để giải tỏa cơn “khát” ở một số nơi. Tại xã Ea Trol, huyện Sông Hinh vừa hoàn thành 3 giếng khoan có lắp đặt bồn chứa cung cấp nước cho người dân với tổng kinh phí 180 triệu đồng, trong khi đó ở “chảo lửa” Sơn Định, huyện Sơn Hòa đang triển khai đầu tư 13 giếng khoan. Tại hai xã Xuân Lãnh và Đa Lộc, huyện Đồng Xuân đã vận hành 3 giếng khoan cung cấp nước sạch cho người dân.

Giữa tháng 5/2020, Hội Liên hiệp Thanh niên Phú Yên, UBND xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân cùng Công ty CP Việt Thành góp sức đầu tư 340 triệu đồng xây dựng hoàn thành công trình nước sạch tập trung ở làng Bà Đẩu, giải tỏa “cơn khát” cho 107 hộ gia đình người Chăm Hroi. Trước đó, bà Lê Minh Thu, một phụ nữ ở Hà Nội đã vận động người thân, bạn bè hỗ trợ 320 triệu đồng đào mới 11 giếng nước cho người dân ở huyện Sơn Hòa. 

Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên cho biết, ngoài công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân có công suất 1.000m3 mỗi ngày đang được Công ty TNHH kỹ thuật kiểm định hiệu chỉnh Toàn Cầu thi công khẩn trương, 3 doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt tại xã An Cư, huyện Tuy An; xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa và xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Dự báo nắng hạn vẫn còn tái diễn phức tạp, chính quyền cùng các cơ quan chức năng ở địa phương tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, biện pháp để giải tỏa “cơn khát” với quyết tâm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh”.

HỮU TOÀN
.
.
.