Các tỉnh miền Trung cấm biển để phòng chống bão số 10

Thứ Ba, 03/11/2020, 16:34
Cùng với các địa phương ở miền Trung, chiều nay (3/11) hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa cũng tất bật triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 10 với tinh thần chủ động, không chủ quan lơ là.


Nằm trong phương án phòng, chống cơn bão số 10, ông Trần Văn Phúc – Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã ký văn bản yêu cầu UBND các huyện Phù Mỹ, Phú Cát, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn cùng với Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Bình Định phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển từ 17h ngày 3-11 cho đến khi có thông báo mới.

Cũng theo Ban PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, trong số 72 tàu cá đang hành nghề đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đến 9h sáng nay (3/11) còn 9 tàu cá nằm trong tầm nguy hiểm. Bộ đội biên phòng, Chi cục thủy sản tỉnh Bình Định và Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn đã kết nối liên lạc, hướng dẫn 9 tàu cá nêu trên khẩn trương vận hành ra khỏi tầm nguy hiểm của bão số 10. Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tập trung theo dõi diễn biến cơn bão để hướng dẫn cho 28 tàu vận tài biển và 12 tàu dịch vụ hậu cần đang hoạt động trong khu vực cảng Quy Nhơn đến nơi cần neo đậu để tránh bão.

Ngư dân TP Nha Trang đang hối hả neo đậu tàu cá bên cảng cá Hòn Rớ.   Ảnh : Hữu Toàn

Còn theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đến 10h sáng ngày 3/11, địa phương này còn 203 tàu cá với 1.547 ngư dân hành nghề khai thác thủy sản. Tất cả cá tàu cá đã được thông báo, kêu gọi rời khỏi tầm nguy hiểm của cơn bão số 10. 2.817 bè nuôi trồng thủy sản của người dân Khánh Hòa có 13.617 người dân chăm nuôi, trông coi; tất cả đều phải vào bờ trước khi bão ập đến, những trường hợp né tránh sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tại các cảng cá, bên bãi ven biển ở Khánh Hòa có hàng trăm tàu cá đã được người dân giằng chống, neo đậu tránh bão.

Trong khi đó, để chủ động phòng, chống cơn bão số 10, chiều 3/11, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký lệnh cấm biển đối với tất cả tàu thuyền ở địa phương này từ 9h sáng 4/11. 

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có công điện tập trung triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 10. Trong đó có nội dung yêu cầu các địa phương, cơ quan tạm hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết; khẩn trương rà soát phương án, lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường do thiên tai. 

Ngư dân TP Tuy Hòa sử dụng thuyền thúng di chuyển ra tàu cá đang neo đậu tránh bão để kiểm tra dây neo.   Ảnh : Hữu Toàn

Trước 18h ngày 4/11, các địa phương phải liên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất đá, triều cường, ngập lụt, đồng thời hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, giằng chống nhừ ở, kho tàng, công sở, lồng bè nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào lưu lại tàu thuyền và lồng bè trước khi bão đến.

Còn tại Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng có công điện gửi các cơ quan, ban ngành về việc ứng phó với cơn bão số 10. Công điện yêu cầu, UBND các quận, huyện tập trung triển khai Chỉ thị số 02/CT về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. 

Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển phải sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét… đến nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, mái nhà, chằng chống cây xanh theo phân cấp quản lý. Tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, nghiêm cấm không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản.

Công an TP Đà Nẵng phối hợp với các địa phương rà soát các khu dân cư, giúp dân di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để ứng phó với bão.

Công an TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.


Hữu Toàn-Hoài Thu
.
.
.